Huyện vùng cao, biên giới Si Ma Cai có 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 56%, trong đó có hơn 80% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo của huyện.
Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Cư A Sùng, dân tộc Mông, ở thôn Sín Chải, xã Sín Chéng gặp nhiều khó khăn, không nghề trong tay, ai thuê gì anh làm nấy, thu nhập không đủ chi tiêu. Với mong muốn có nghề nghiệp ổn định, anh Sùng đã đăng ký học lớp sơ cấp kỹ thuật xây dựng 3 tháng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Si Ma Cai tổ chức ngay tại xã.
Anh Sùng cho biết: Khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi học được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Kết thúc khóa học, tôi cùng một số anh em thành lập tổ xây dựng và đứng ra nhận thầu một số công trình trên địa bàn. Công việc này giúp tôi có thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Không chỉ anh Sùng, hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số của huyện Si Ma Cai đang ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học nghề, từ đó tự nguyện đăng ký học các nghề phù hợp với năng lực, điều kiện, trình độ… của bản thân. Điển hình như ở xã Sín Chải, đến nay xã đã có gần 700 lao động được đào tạo nghề. Riêng năm 2023, xã Sín Chải tổ chức 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 50 học viên người dân tộc thiểu số. Xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 3 lớp hướng dẫn người dân trồng cây dược liệu; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả ôn đới như tạo tán, vít cành…
Với nỗ lực của huyện trong công tác đào tạo nghề, trong 2 năm 2022 và 2023, huyện Si Ma Cai đã mở được 32 lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại các xã cho gần 1.300 lao động là người dân tộc thiểu số. Các lớp đào tạo tập trung vào các nghề: Kỹ thuật xây dựng, trồng và chăm sóc cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi đại gia súc.
Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Si Ma Cai cho biết: Lao động là người dân tộc thiểu số có ưu điểm là có sức khỏe, đức tính thật thà, khéo tay, nếu là lao động có tay nghề, được quản lý, giáo dục tốt thì đạt năng suất lao động khá cao.
Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, huyện Si Ma Cai chủ trương gắn đào tạo nghề với giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề, trong đó ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền và định hướng giáo dục nghề nghiệp. Huyện tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của nghề nghiệp đối với cuộc sống, về các chủ trương, chính sách đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước…
Hằng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức khảo sát, tìm hiểu, nắm nhu cầu, nguyện vọng học nghề của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn, từ đó lên kế hoạch tổ chức các lớp sơ cấp nghề phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và đối tượng học.
Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ học phí, tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập cho người dân tộc thiểu số khi học nghề đã và đang góp phần khuyến khích người dân đi học nghề.
Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Si Ma Cai đạt 59%, vượt 9% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Kết quả này là minh chứng rõ nhất cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo nghề cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Huyện Si Ma Cai đặt mục tiêu năm 2025 có 50% lao động đã qua đào tạo, trong đó 25% lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, từ đó giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện xuống dưới 60%.
Để đạt mục tiêu, huyện Si Ma Cai tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề; đẩy mạnh việc lồng ghép đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh việc liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, nhằm thu hút lao động tham gia học nghề, đào tạo nghề gắn liền với việc làm.