Xung quanh phản ánh của người dân về những dấu hiệu lừa đảo liên quan tới loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được một số đơn, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, bao gồm các vấn đề về hình sự, dân sự, du lịch, bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh…
Ảnh minh hoạ.
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2021, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này. Đến nay, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các tin bài khuyến cáo trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các phương tiện thông tin truyền thông.
Trong thời gian vừa qua, Bộ còn tiến hành các hoạt động khác nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực “kỳ nghỉ du lịch” như: Tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dùng khi ký kết với người dân, yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân….
Đồng thời, tổ chức các buổi tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp; thu thập, xác minh thông tin, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch”, trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng nghiên cứu kỹ những thông tin cảnh báo, phân tích của Bộ Công Thương từ đầu mối Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương liên quan về hợp đồng “kỳ nghỉ du lịch” trước khi giao kết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.