TP – Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm là yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho năm học mới 2024-2025. Động thái này được kỳ vọng sẽ chấm dứt việc sao chép văn mẫu, đồn đoán đề thi.
Vấn nạn văn mẫu, học sinh “bê nguyên” bài trên lớp vào bài thi vẫn đạt điểm cao được cho là điểm yếu của chương trình giáo dục phổ thông 2006 tồn tại hàng chục năm. Từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá bộ môn Ngữ văn đã dần thay đổi theo hướng sử dụng ngữ liệu ngoài sách để đánh giá năng lực phân tích, cảm thụ văn chương của học sinh.
Từ năm học tới, học sinh thực hiện bài kiểm tra Ngữ văn với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. |
Hướng dẫn năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra định kì. Và dĩ nhiên, các kì thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ theo hướng đó.
Cô Lê Thị Lan, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải đổi mới cách dạy học và đánh giá môn học. Trên thực tế, từ khi áp dụng chương trình mới đến năm học tới là năm thứ 4, giáo viên đã dần chuyển sang hướng không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra. Thậm chí, trường đang dạy bộ sách này nhưng không lấy ngữ liệu ở cả 2 bộ sách còn lại để học sinh tiếp cận một văn bản mới. Cách kiểm tra như vậy đòi hỏi giáo viên cũng phải đổi mới cách dạy đó là, trang bị cho học sinh kỹ năng làm bài, nhận biết thể loại.
“Dạy văn phải quan tâm đến đầu ra, học sinh có được năng lực đọc hiểu tốt, khả năng cảm thụ văn học tốt. Và với cách kiểm tra mới, đòi hỏi giáo viên cũng phải chấp nhận, cho điểm các quan điểm đúng sai, phải trái của học sinh khi các em có lập luận, góc nhìn và minh chứng chặt chẽ thì mới khuyến khích được sự sáng tạo thay vì bám chặt ba – rem để cho điểm”.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Theo cô Lan, phương pháp này thuận lợi đối với nhóm học sinh trung bình khá trở lên vì chỉ cần có khả năng đọc hiểu, nền tảng kiến thức tốt, có tư duy sẽ nắm phương pháp và học nhàn hơn. Trái lại, với nhóm học sinh dưới mức trung bình, lâu nay lệ thuộc vào văn mẫu, lệ thuộc bài đọc của giáo viên để sao chép thì sẽ loay hoay, khó khăn hơn rất nhiều. Học sinh vào lớp 6 năm nay có 5 năm tiểu học học theo chương trình cũ cũng cần có thời gian làm quen, tránh bỡ ngỡ.
Phụ thuộc vào giáo viên
Thành công đổi mới dạy học Ngữ văn hay không phụ thuộc vào giáo viên rất nhiều. Một số giáo viên bày tỏ lo lắng, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng giáo viên “phím đề”, “gà đề” cho học sinh. Ví dụ, trước kì kiểm tra, giáo viên cho 3-4 đoạn trích ngoài sách giáo khoa để học sinh tham khảo và sẽ ra đề trúng một trong các đề đó. Điều này được cho là do giáo viên áp lực về điểm số, thành tích cuối kỳ, cuối năm. Một số thầy cô thừa nhận bối rối khi lựa chọn, trích dẫn ngữ liệu để ra đề kiểm tra sao phù hợp. Trên thực tế, có trường ra đề kiểm tra cuối năm dài 3 trang giấy khiến học sinh kêu trời vì mất nhiều thời gian đọc đề.
Một giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai phân tích, không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra có những ưu điểm nhưng cũng có những bất cập, hạn chế. Ưu điểm đó là chắn chắn phát huy được trí tuệ, năng lực sáng tạo văn chương của học sinh. Các em không còn cách học máy móc, rập khuôn theo văn mẫu, vốn dĩ là vấn nạn tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi học sinh nhận thấy, học bài trong sách giáo khoa nhưng không kiểm tra, đánh giá dẫn đến hiện tượng “cưỡi ngựa xem hoa”, học hời hợt, lớt phớt, học trước quên sau. “Trước đây, trong chương trình cũ sách chỉ có ít tác phẩm nên giáo viên dạy kỹ, phân tích sâu từng đoạn từ nội dung đến nghệ thuật, ý nghĩa. Học theo cách đào sâu chôn chặt, học sinh nghiền ngẫm, tìm tòi các bài liên quan nên ngấm, thấm và cảm nhận được tác phẩm. Điều này sẽ không thể thực hiện đối với một đoạn trích hay tác phẩm hoàn toàn mới, vì các em không có thời gian để cảm nhận sâu sắc, thậm chí học sinh có năng lực đọc hiểu không tốt, có thể hiểu sai nội dung, lạc đề”, theo cô giáo này.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, lâu nay, giáo viên bộ môn Ngữ văn tốt nghiệp ĐH thường dạy học sinh theo hướng truyền thụ, nghĩa là muốn tất cả các em phải yêu thích và có góc nhìn về tác phẩm văn thơ như chính mình. Giáo viên nói thế nào, học sinh hiểu như vậy theo một khuôn mẫu. Sự “nhai lại” đó khiến các em sau nhiều năm học không thể tự viết một đoạn văn ra hồn. Những trẻ viết đúng với suy nghĩ của mình một cách tự do, sáng tạo đều có thể coi là lạc đề… và mất điểm. Từ đó, các bài văn mẫu trở nên “đáng giá” và học sinh không cần phải tư duy khi học văn. Nhiều năm nay, đề thi Ngữ văn cũng nghèo nàn khi quanh quẩn với ít tác phẩm trong sách giáo khoa và năm nào học trò cũng đoán trúng”, TS Vinh nói.