Anh Giàng A Su, ở tổ 4, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa rất tự hào về nghề rèn gia truyền, công việc đã nuôi sống gia đình nhiều năm nay. Nhưng để giữ nghề và phát triển nghề, năm 2024, anh Su đã có một quyết định táo bạo. “Nhà ở trên thôn, làm chủ yếu cho anh em, hàng xóm cùng dùng. Nhưng tôi muốn nhiều người biết đến, nên quyết định chuyển lò rèn xuống gần đường”, anh Giàng A Su chia sẻ.
Anh Giàng A Su gắn bó với nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông nhiều năm nay.
Lò rèn của anh Giàng A Su luôn đỏ lửa và sẵn sàng trở thành một điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách, hay bất cứ người dân nào muốn tìm hiểu, khám phá, mua sản phẩm dao rèn của người Mông.
Anh Chảo Tả Và, ở thôn Bản Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa cho biết: “Thấy anh Su làm dao rất tốt, tôi đặt làm 1, 2 con để mùa xuân đi làm nương. Đến lò rèn mới thấy anh Su làm rất hay, tôi cũng thử làm cùng anh”.
Mỗi tháng, anh Giàng A Su thu được 7 – 8 triệu đồng từ lò rèn. Thu nhập bước đầu như vậy không quá cao, nhưng anh và cả gia đình vẫn rất vui, bởi ngay tại nơi ở mới, anh đã nhận được sự ủng hộ, động viên của cộng đồng bà con người Mông để giữ nghề truyền thống.
Nhiều người đã tìm đến lò rèn của anh Su vừa để mua hàng, vừa để trải nghiệm các công đoạn làm ra sản phẩm.
Tại các bản làng của Sa Pa, những mô hình sinh kế gắn du lịch với các làng nghề, nghề truyền thống ngày càng trở nên phổ biến. Du khách được tham gia hái, tắm lá thuốc, học cách sử dụng thảo dược, vẽ sáp ong… Với định hướng đúng, cùng với khát vọng giữ nghề của những nông dân như anh Giàng A Su, nhiều nghề truyền thống đang dần được “hồi sinh”.
Thu Hường – Nông Quý