Qua các mô hình chuyển giao, tập huấn, thời gian gần đây, mô hình canh tác lúa hữu cơ đã trở thành xu hướng phổ biến, không chỉ áp dụng cho cây ăn trái và hoa màu, mà còn mở rộng trên lĩnh vực canh tác lúa.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại Trà Vinh, mô hình canh tác lúa hữu cơ đang được đẩy mạnh và lan tỏa. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn cải thiện môi trường sinh thái trên đồng ruộng.
Mới đây, Trường đại học Trà Vinh đã tổ chức sự kiện tổng kết mô hình canh tác lúa hữu cơ và chuyển giao quy trình canh tác cho nông dân tại ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Kết quả đánh giá cho thấy, mô hình này đã đạt năng suất khoảng 7 tấn/ha. Đây là năng suất ấn tượng đối với hình thức canh tác hữu cơ, không thua kém năng suất lúa canh tác thông thường.
Nhiều nông dân trong khu vực cho biết, dù đã canh tác lúa từ lâu nhưng họ chưa từng thấy lúa đạt năng suất cao như thế. Đáng chú ý, gần đến ngày thu hoạch, cây lúa vẫn cứng cáp, không bị đổ ngã. Mặc dù canh tác hữu cơ còn mới mẻ, nhưng nông dân địa phương đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm và tham gia tích cực.
Nông dân Lê Văn Tiền tại ấp Lò Ngò, xã Song Lộc chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa hữu cơ của mình, là áp dụng gieo sạ thưa với lượng giống chỉ 8 kg/công (1 công = 1.000 m2) và kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho lúa.
Ông Tiền cho biết, ấn tượng nhất là việc không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây lúa phát triển mạnh mẽ và chống chịu bệnh tốt hơn. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, năng suất lúa tăng đáng kể, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn tạo thân thiện với môi trường.
Tại Hợp tác xã Phước Hảo, thuộc huyện Châu Thành, mô hình canh tác lúa hữu cơ đã được duy trì và phát triển thành công trong suốt hơn 5 năm qua. Do nhu cầu tiêu thụ lúa hữu cơ ngày càng cao, Hợp tác xã Phước Hảo đã quyết định mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ trong vụ tới lên đến 30 ha.
Theo đó, hợp tác xã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch, giúp kiểm soát sâu bệnh tự nhiên. Thành viên hợp tác xã cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức và tuân thủ đúng lịch thời vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi sang sản xuất bền vững đang là hướng đi chủ đạo của ngành nông nghiệp. Các chương trình hỗ trợ và quy hoạch được triển khai sẽ giúp bảo đảm sự cân bằng giữa năng suất và sự bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng của nông dân và bảo vệ môi trường.
Tại huyện Hoài Ân (Bình Định) những năm gần đây, người dân cũng đang dần chuyển sang canh tác lúa hữu cơ.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện có 6 hợp tác xã nông nghiệp đang phát triển sản xuất lúa theo hướng này, gồm: Ân Tín, Ân Tường 1, Ân Tường 2, Ân Nghĩa, Ân Hữu và Ân Mỹ với tổng diện tích 15,5 ha, cung ứng ra thị trường mỗi vụ khoảng 90 tấn gạo. Hiện nay, lúa hữu cơ sản xuất ở huyện đều đã được các hợp tác xã chế biến bán cho người tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh và tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đơn vị đi đầu trong sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân là Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín. Từ năm 2019, hợp tác xã này đã sản xuất thí điểm gần 3 ha lúa hữu cơ tại cánh đồng Soi Đập, thôn Vạn Hội 2 (xã Ân Tín). Đến năm 2022, hợp tác xã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ với diện tích 3 ha, thời gian chứng nhận từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2024.
Theo ông Bùi Long Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín, trong sản xuất lúa hữu cơ, nông dân không hề “đụng” đến phân bón hóa học mà sử dụng hoàn toàn phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh ủ từ mụn dừa. Trong quy trình canh tác, nông dân tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, nhất là sử dụng các chế phẩm sinh học của Trung tâm Thông tin – Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định) vào sản xuất, sử dụng các giống lúa chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong những giai đoạn đất nước khó khăn. Thời gian qua, các chương trình kế hoạch đề ra được bám sát, triển khai đáp ứng nhu cầu về khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hội nông dân của 63 tỉnh, thành phố đã kết hợp với sở khoa học và công nghệ có những chương trình phối hợp tích cực, có nhiều nội dung đổi mới, đạt được kết quả quan trọng. Thông qua chương trình phối hợp đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ. Nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, mang lại giá trị kinh tế cao.