Quay lại chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn sau 7 năm, anh Cung được chiêm ngưỡng biển mây, rừng phong thay lá và những loài hoa đang khoe sắc trên dãy Hoàng Liên.
Ngũ Chỉ Sơn hay còn được gọi là “núi bàn tay” do 5 ngọn núi có hình dạng giống như bàn tay hướng lên trời. Núi thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa Tam Đường (Lai Châu) và Sa Pa (Lào Cai). Nằm ở độ cao 2.850 m so với mặt nước biển, đây là đỉnh núi cao thứ 15 của Việt Nam nhưng thuộc top đầu về độ khó trong các cung trekking.
Ngũ Chỉ Sơn là một trong những đỉnh núi để lại nhiều kỷ niệm cho anh Nguyễn Trọng Cung (28 tuổi, Thái Bình) từ 7 năm trước. Quay lại chinh phục đỉnh núi này vào ngày 30 – 31/10 theo lời đề nghị hỗ trợ của một người bạn, anh đã không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của cung trekk này.
Từ thị xã Sa Pa (Lào Cai), nhóm anh Cung di chuyển khoảng 25 km để đến chân núi Ngũ Chỉ Sơn.
Vì trong nhóm có hai thành viên nữ nên cả nhóm chọn di chuyển từ Lào Cai với cung đường dễ đi hơn. Tuy nhiên, theo anh Cung và chia sẻ từ một số porter, hướng trek từ Lai Châu lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn tuy vất vất vả nhưng đẹp hơn khi xuyên các vạt rừng nguyên sinh và men theo những triền núi đá nhấp nhô mây mờ mịt quanh năm.
Đặc biệt, khi đi dọc theo quốc lộ 4D khoảng 1,5 km, ở độ cao khoảng 2.200 m, giữa hai sườn núi thẳng đứng là thác Cầu Mây nước chảy quanh năm. Dòng thác đổ qua bao năm đã khoét sâu vào lòng đá dưới chân thác tạo thành vực nước xanh như tấm gương phản chiếu núi rừng. Đây là địa điểm cho ra những tấm ảnh check in tuyệt đẹp giữa núi rừng.
Từ chân núi, nhóm anh Cung mất khoảng 5 tiếng để đến lán nghỉ và hai tiếng leo từ lán nghỉ đến đỉnh. Đã leo nhiều đỉnh núi ở phía bắc như Tà Chì Nhù, Nhìu Cồ San, Lùng Cúng, nhưng với anh Cung đây là một trong số ít đỉnh có thời gian leo lên và leo xuống gần bằng nhau.
Do chênh lệch độ cao lớn, thảm thực vật có sự thay đổi rõ rệt trên quãng đường từ chân núi đến đỉnh. Ở dưới thấp là những loại cây tán rộng như diền đinh hương (ảnh), sim. Lên cao là rừng cây trúc lùn, cây đỗ quyên.
Lên đến độ cao từ 2.400 m, nơi người dân địa phương gọi là “eo đón gió”, du khách có thể cảm nhận rõ sự thay đổi đáng kể về nhiệt độ với lớp sương mù dày đặc và nặng hạt.
Cây cối ở khu vực này tự khoác cho mình lớp vỏ xù xì để thích nghi với khí hậu quanh năm sương giá. Tại đây, du khách có thể nhìn thấy các loại cây lâu năm như vàng tâm, dổi, nghiến, chò chỉ, nhiều loài thảo mộc, dược liệu quý như tam thất, đương quy và đặc biệt là Hoàng Liên – loại cây gắn với tên gọi của dãy núi hùng vĩ.
Độ cao này cũng là điều kiện lý tưởng để những loài thuộc hệ thân bám như rêu, phong lan, nấm, linh chi phát triển. Lên đến đỉnh gần như chỉ thấy rong, rêu, những cây móng tai Sa Pa và một số loài thực vật nhỏ khác.
Đường trekking lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn là con đường mòn giữa những dải núi đá trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài vô tận, trên đầu là biển mây bồng bềnh, phía dưới là vực sâu.
Mùa này, những cây phong ở độ cao khoảng 2.000 m đã bắt đầu đổi màu lá. Thấp thoáng sau lớp sương mù là sắc vàng, sắc đỏ, chấm phá cho cảnh sắc lạnh lẽo, âm u của núi rừng.
Ngoài rừng phong thay lá còn có nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc trên dãy Hoàng Liên như hoa diền đinh hương, sơn bái tử, cỏ giấy utricularia – một loại cỏ bắt ruồi làm thức ăn (ảnh).
“Sau gần 7 năm quay lại, ngọn núi này vẫn chưa từng làm tôi hết ngạc nhiên”, anh Cung nói.
Trong ký ức của anh Cung, Ngũ Chỉ Sơn 7 năm trước là một trong những đỉnh núi không thể chinh phục được vì những vách đá dựng đứng không chỗ bám. Thời điểm đó, đoàn leo của anh đã phải bỏ cuộc vì không có đường đi tiếp.
Hiện, người dân đã dựng nên những con đường bằng thang gỗ bắc qua những mép vực sâu để thuận tiện cho việc di chuyển. “Đây là điều tôi nể phục người Mông và để lại ấn tượng nhất trong chuyến đi”, theo anh Cung. Tuy nhiên, con đường vẫn khá chênh vênh, một số đoạn có vắt.
Điểm cuối cùng của hành trình là đỉnh núi ở độ cao 2.800 m. Thời tiết mùa hè nền nhiệt độ trung bình ban ngày dao động từ 14-17 độ C, độ ẩm trên 98% còn về đêm nhiệt độ có lúc xuống tới 9-10 độ C. Hơi lạnh ngưng tụ tạo nên những biển mây trắng xóa trên đỉnh núi, bao phủ gần hết mọi vật xung quanh.
Theo anh Cung, hai tháng cuối năm là thời điểm đẹp nhất để đến khám phá Ngũ Chỉ Sơn bởi hời tiết lạnh, trời lặng gió, độ ẩm cao, là điều kiện lý tưởng để hình thành biển mây.
Vì Ngũ Chỉ Sơn có mưa ngày hôm trước nên có nhiều sương mù và độ ẩm cao, buổi chiều nắng và ngày hôm sau xuống núi trời tạnh ráo. Do vậy, nhóm anh may mắn gặp biển mây hai lần, một lần vào buổi chiều khi lên gần lán nghỉ và sáng sớm hôm sau trên đỉnh núi.
Ngũ Chỉ Sơn không quá đặc biệt so với các đỉnh khác nhưng gây ấn tượng bởi tầm nhìn bao quát 360 độ. Vào những ngày trời quang, đứng trên đỉnh phóng xa tầm mắt có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn bộ khung cảnh đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan, đỉnh Pu Ta Leng và nhiều ngọn núi khác của dãy Hoàng Liên.
“Ngũ Chỉ Sơn đẹp hơn nhiều đỉnh nhưng thời gian leo ngắn và nhiều dốc nên khó để cảm nhận hết vẻ đẹp của nó trong một lần. Đây cũng là lý do tôi quay lại nơi này”, anh Cung chia sẻ.
Để trekking Ngũ Chỉ Sơn, du khách nên tập luyện cơ đùi bằng cách leo cầu thang. Thay vì giày, du khách nên sử dụng ủng vì đường đi nhiều bùn đất, vách đá trơn trượt. Nên mặc trang phục kín tránh bị vắt cắn. Hai điều cần đặc biệt lưu ý là không cắm trại trên đỉnh núi vì gió to, việc nhóm lửa có thể gây ra sự cố nghiêm trọng và thu dọn rác trước khi ra về.
Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Nguồn: Trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam