Nghỉ hè là dịp các em nhỏ “cởi bỏ” áp lực học hành, thoải mái tham gia các hoạt động giải trí, trải nghiệm.
Nghỉ hè là dịp các em nhỏ “cởi bỏ” các áp lực học hành, thoải mái tham gia các hoạt động giải trí, trải nghiệm, thu nạp những nguồn năng lượng tích cực. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, hè này việc trẻ em đi đâu, chơi gì tiếp tục là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều gia đình.
Đến hè lại lo
Chị Thu Hương (phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, nhà có 2 cháu, cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 5. Từ 1/6, các con bắt đầu nghỉ hè cũng là lúc tôi phải chấp nhận cho con chơi ipad, xem tivi cả ngày. Nhiều lúc ngồi tại cơ quan làm việc cũng sốt ruột con ở nhà vì mạng internet tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, mình không thể kiểm soát. Hiện phường Nhật Tân mới có một vài điểm vui chơi công cộng nhưng cũng cách xa nhà, các con ra ngoài không có người quản lý càng đáng lo.
Cùng chung nỗi lo như chị Hương, từ trước khi bế giảng, nhiều phụ huynh đã ráo riết tìm và đăng kí khóa học hè cho con em mình để trẻ giảm bớt thời gian phụ thuộc vào điện tử. Trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm tìm các lớp học hè cho con ở đâu là hiệu quả nhất. Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội, TPHCM, nhiều lớp học, khóa trại hè kín chỗ ngay từ đầu tháng 6.
Hà Nội – thành phố có mật độ dân cư lớn nhất cả nước hiện có hơn 200 điểm vui chơi dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, con số trên quá ít ỏi so với nhu cầu vui chơi của trẻ nhỏ. Điển hình tại các khu tập thể cũ trên địa bàn như Kim Liên (quận Đống Đa), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… dù mật độ dân cư cao nhưng cực kỳ thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Nếu có, trang thiết bị vui chơi ở các sân chơi ngoài trời tại các khu nhà tập thể “chỉ đẹp” thời gian đầu, sau một thời gian thì xuống cấp, hoen rỉ, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ.
Thậm chí, nhiều không gian vui chơi công cộng còn đang bị bủa vây bởi các hàng quán, các điểm trông giữ xe, chợ cóc… Báo chí không ít lần phản ánh về tình trạng tại các khu tập thể nhà B5, B7, nhà E1, E3 phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), nhiều sân chơi cũng như không gian chung bị người dân chiếm dụng từ sáng sớm đến đêm khuya để làm nơi bán hàng, trông giữ xe, phơi chăn màn, quần áo… Còn ở nhà E1, nhà E3, tại khu vực sân chơi chung, một số người dân trong khu tập thể đã căng bạt, chiếm dụng nhiều diện tích sân chơi để bán hàng khiến trẻ không còn chỗ để vui chơi.
Sau sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, không gian đã thông thoáng trở lại, các hộ lấn chiếm ký cam kết không tái phạm và người dân cùng lực lượng Công an vào cuộc giám sát để tình trạng này không tái diễn.
Trong khi các điểm vui chơi công cộng thiếu hụt thì dịch vụ vui chơi thu phí lại trở nên nhộn nhịp. Tại các điểm vui chơi có không gian rộng như Công viên Thủ Lệ, Vườn Bách thảo, Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, Khu Ecopark, các trung tâm thương mại… đều mở các dịch vụ vui chơi. Tuy nhiên, để trẻ có thể tham gia các trò chơi, cha mẹ phải trả phí cao.
Theo bà Lê Quỳnh Lan – Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, sân chơi bị hàng quán lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn. Chưa kể sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại; thiết kế của sân chơi có thể không phù hợp và chưa đáp ứng được cho các em ở độ tuổi khác nhau…
“Thực trạng các sân chơi công cộng cũng cho thấy, người lớn và các bé trai chiếm phần nhiều, trẻ em gái muốn chơi nhưng có thể ngại ngần bởi có rất ít chỗ chơi phù hợp khi góc thì người lớn đánh bóng chuyền, góc thì các em nam đá bóng, đá cầu… Nói là điểm vui chơi chung nhưng thực sự trẻ em gái có tiếp cận được hay không lại là vấn đề khác” – bà Lan nói.
Công viên rừng ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trách nhiệm của ai?
Có thể nói, mùa hè tưởng như là quãng thời gian thú vị của trẻ lại trở thành nỗi lo của cha mẹ khi thiếu vắng chỗ chơi, thiếu vắng người kèm cặp, quản lý trẻ… Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là với sự chung tay từ các tổ chức cộng đồng, câu chuyện thiếu sân chơi cho thiếu nhi cũng đã dần được tháo gỡ. Đơn cử như chương trình Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi) sau hơn 10 năm triển khai đã kiến tạo được tới 240 sân chơi “0 đồng”, trải khắp từ Bắc vào Nam. Tất cả những sân chơi ấy đều mang thông điệp thân thiện với môi trường, thân thiện với người khuyết tật.
Tại Hà Nội là Công viên rừng ở Chương Dương với diện tích khoảng 9.000m2. Hay những sân chơi tại các khu tập thể của Hà Nội như Phương Mai, Trung Tự, Ngọc Khánh. Mới đây nhất là sân chơi Thánh Gióng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Theo Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, sân chơi chính là không gian học tập toàn diện nhất cho trẻ em, nơi các em không chỉ được học một cách chủ động về thể chất, cân bằng tâm lý, hoạt động nhóm, quản lý rủi ro, giao tiếp… mà còn là không gian sáng tạo để các em có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống.
“Nếu lịch sử chỉ được truyền tải qua những chất liệu truyền thống như sách, truyện, phim thì chưa đủ mà cần hiển hiện ở trong không gian công cộng, có tác động ấn tượng mạnh mẽ vào thị giác. Vì thế, các sân chơi của Think Playgrounds sẽ tương tự như một tác phẩm nghệ thuật, nhưng trẻ em có thể vui chơi được” – ông Đạt chia sẻ.
Cũng theo ông Đạt, tại Hà Nội, đất dành cho không gian công cộng, không gian xanh rất thiếu. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp, vẫn có thể cải tạo, tận dụng những không gian công cộng như đất công bỏ hoang, bãi tập kết rác trở thành những sân chơi cộng đồng. Để làm được việc này rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của chính người dân sinh sống trên địa bàn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho rằng, để thiết kế một sân chơi an toàn cho trẻ không quá khó và cũng không quá tốn kém, nhưng do nhận thức về nhu cầu vui chơi của các em ở nhiều nơi chưa được chính quyền chú trọng.
Trong khi chờ các ngành chức năng tìm giải pháp, thì hàng ngày vẫn có nhiều đứa trẻ đang chìm đắm trong những trò chơi điện tử đầy bạo lực ở thế giới ảo. Đó là nỗi lo cứ chất đầy trong lòng các bậc làm cha, làm mẹ. Họ lo, nhưng lực bất tòng tâm.
Tháng “Hành động vì trẻ em” năm 2024 có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, nhằm tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ. Và một trong những vấn đề quan trọng trong công tác này đó là những không gian vui chơi an toàn cho trẻ.
Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds Nguyễn Tiêu Quốc Đạt:
Làm cho cộng đồng thấy rõ sự cần thiết của sân chơi
Chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, có cách giải quyết tốt nhất, nhanh nhất để có thêm nhiều không gian công cộng, công viên, sân chơi cho trẻ. Chúng ta cũng cần làm cho cộng đồng dân cư tại đó thấy rõ lợi ích, sự cần thiết của các sân chơi dành cho trẻ, từ đó huy động sự tham gia của cộng đồng. Với Think Playgrounds, sau khi hoàn thành xây dựng công viên, sân chơi, chúng tôi bàn giao lại ngay cho cộng đồng và chính cộng đồng sẽ bảo vệ, tôn tạo, chỉnh trang các sân chơi đó. Chúng tôi luôn mong muốn và hy vọng sẽ lan tỏa được những sân chơi cộng đồng cho các em nhỏ. Để không chỉ vào dịp nghỉ hè mà ngay cả sau những giờ học tập căng thẳng các em có thể thỏa sức vui chơi, có một tuổi thơ vui vẻ, bổ ích.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Cách thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý
Về chủ trương và quy hoạch phát triển các công trình công cộng, các công trình cây xanh tại các quỹ đất trống là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, cách thức thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý. Xây dựng chung cư thì doanh nghiệp nào cũng nhận làm, tuy nhiên khi đề cập tới việc xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh thì không ai nhận cả. Chỉ khi nào cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ công tác phát triển quỹ đất trống, doanh nghiệp mới thực hiện xây dựng các công trình công cộng một cách đối phó, dè dặt, dẫn tới các công trình này có chất lượng rất kém.