Vào mùa nước đổ, ruộng bậc thang ở Lào Cai phản chiếu nhiều mảng màu của tự nhiên như vàng nâu của bùn đất, xanh tím các loài tảo, xanh lá của mạ non, vàng ruộm của ánh mặt trời.
Từ giữa tháng 5, các thửa ruộng bậc thang ở Lào Cai vào mùa nước đổ hay còn gọi là mùa đổ ải. Người dân vùng cao phía bắc chỉ gieo trồng một vụ lúa trong năm, vì thế mùa nước đổ là nét độc đáo của vùng này. Mặt ruộng ngập nước từng lớp trồng lên nhau, phản chiếu những mảng màu của tự nhiên.
Trong ảnh là khung cảnh bình minh thửa ruộng ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai.
Ruộng ở làng Ngải Thầu Hạ, huyện Bát Xát, phủ kín màu xanh của mạ non, khi nông dân cấy lúa sớm từ giữa tháng 5.
Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân, tại TP HCM, đã dành gần một tuần ở huyện Bát Xát, thuộc phía tây bắc Lào Cai để săn những bức hình ruộng bậc thang mùa nước đổ dịp này.
Huyện Bát Xát cách TP Lào Cai khoảng 52 km, di chuyển hết hơn một giờ bằng ôtô. Địa hình nơi đây 70% là đồi núi, với hơn 3.000 ha ruộng bậc thang.
Anh Nhân ghé các xã Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Y Tý và Ngải Thầu. Các xã nằm cách nhau khoảng 9-18 km, thời gian di chuyển đến mỗi điểm khoảng 30-45 phút.
Vào cận mùa nước đổ, nông dân gieo mạ trước. Khi những cơn mưa đổ xuống, họ cày đất, làm bờ, dẫn nước từ các dòng chảy trên núi tràn vào từng ruộng.
Trong hình là bóng nắng đổ trên mặt ruộng bậc thang chưa cấy mạ non ở xã Dền Sáng.
Ruộng bậc thang ở thung lũng Y Tý được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp, sương mù giăng lối vào sáng sớm.
Ruộng bậc thang được xây dựng để tận dụng được một diện tích đất núi hẹp và đồi dốc, tạo ra một hệ thống tưới tối ưu và gia tăng năng suất nông nghiệp. Đa phần cảnh quan ruộng lúa tại Bát Xát có địa hình như nhau, ruộng chồng tầng, bao quanh đều là đồi núi chập chùng.
Mặt nước ruộng ở Sàng Ma Sáo in bóng đủ màu sắc, tạo nên khung cảnh đặc trưng vùng núi phía bắc thời điểm lập hạ. Ruộng bậc thang ở Bát Xát có đặc điểm trải dài từ dưới thung lũng lên núi, tạo thành tầng lớp dày đặc. Bờ ruộng cũng thấp hơn khu vực khác và ruộng nước phản chiếu nhiều màu sắc hơn.
Vào mùa đổ ải, mặt nước của ruộng bậc thang phản chiếu nhiều màu sắc thiên nhiên: vàng nâu của bùn đất, xanh tím của các loài tảo, xanh lá của mạ non, màu phản chiếu ánh sáng của bầu trời. Những mảng màu của thiên nhiên tạo nên bức tranh trên mặt ruộng tầng tầng, lớp lớp.
Thửa ruộng bậc thang ở Sàng Ma Sáo được phủ xanh một nửa bởi mạ non. Vào tháng 5-6, thời tiết ở Lào Cai dễ xuất hiện mưa, gây khó khăn cho những ai muốn ngắm cảnh ruộng bậc thang ngập nước.
Anh Kỳ Nhân chia sẻ đây là lần thứ ba quay lại Bát Xát để săn ảnh mùa nước đổ. Hai lần trước anh không ghi lại được những bức hình ưng ý do ảnh hưởng từ thời tiết. Chuyến đi lần này, thời tiết ban đầu cũng không ủng hộ anh. Anh đến Bát Xát đúng đợt không khí lạnh tràn về, trời mưa nhiều. Đường sá khó đi, nhiều đoạn đường đang thi công ngổn ngang, một số đoạn sình lầy do núi sạt lở. Đến ngày cuối cùng của chuyến đi thời tiết tạnh ráo, trời hửng nắng, anh Nhân mới chiêm ngưỡng được trọn vẹn cảnh đẹp những thửa ruộng ở Bát Xát.
Người nông dân cấy mạ trên thửa ruộng bậc thang ở Sàng Ma Sáo khi mặt trời chưa ló rạng. Vào mùa cấy, nông dân ở các xã vùng cao Bát Xát ra đồng lúc 6-7h và trở về nhà vào xế chiều 16-17h. Hàng năm, mùa nước đổ thu hút du khách và nhiếp ảnh gia không kém mùa lúa chín. “Tôi thấy năm nay vắng hơn mọi năm. Một phần do thời tiết không thuận lợi, nước đổ về các ruộng bậc thang ít và không đều như những mùa vụ trước. Nước đổ tới đâu, bà con nông dân cũng tranh thủ cấy lúa tới đó, không còn chờ như mọi năm”, anh Nhân chia sẻ.
Khung cảnh ruộng ở làng Ngải Thầu Thượng chìm trong mây mù. Ngôi làng này nằm trên núi Ma Cha Va ở độ cao khoảng 2.300 m. Để lên tới điểm cao này du khách phải vượt qua những con đường đất dốc cao.
Anh Nhân chia sẻ đường đi từ Y Tý đến Ngải Thầu khó đi nhất trong huyện Bát Xát, nhiều đoạn sạt lở, đường nhiều ổ gà, sỏi đá. Hai điểm chỉ cách nhau 13 km, nhưng di chuyển mất một tiếng. Ngoài chiêm ngưỡng thiên nhiên, du khách có thể đến huyện vùng cao Lào Cai mùa nước đổ có thể khám phá văn hóa bản địa của người Dao đỏ, Dao Tuyển, H’Mông, Hà Nhì.