Những ngày này, đồng hoa cúc chi ở thôn La Ve, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bắt đầu nở rộ, bung sắc vàng rực rỡ. Mùa hoa vàng dưới chân núi Hoàng Liên Sơn mang những tín hiệu đầy triển vọng cho một dự án sinh kế phát triển tại vùng ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Bản Hồ là 1 trong 3 xã có nhiều thôn, bản nằm ở vùng ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Bản Hồ có lợi thế phù hợp phát triển vùng trồng dược liệu quy mô lớn. Năm 2023, Bản Hồ lần đầu thí điểm trồng hoa cúc chi dược liệu với sự kết hợp của 3 nhà gồm: nhà nông – chính quyền – doanh nghiệp.
Tháng 4/2023, những hạt giống hoa cúc chi được nhiều hộ dân địa phương gieo xuống các khoảnh ruộng bậc thang trước đây chỉ cấy lúa một vụ. Đây là mô hình thí điểm được Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Hồ liên kết với Công ty TNHH Trà Việt Anh thực hiện theo hình thức doanh nghiệp cung ứng vật tư – hướng dẫn kỹ thuật – bao tiêu sản phẩm. Tháng 11/2023, lứa hoa đầu tiên bung sắc. Người trồng hoa phấn khởi bởi cúc chi sai hoa, được mùa.
Anh Lý A Sẩu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Hồ, chia sẻ: Ở La Ve, nhiều ruộng bậc thang trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, bởi chỉ cấy một vụ do thiếu nước. Khi doanh nghiệp có ý tưởng đầu tư phối hợp cùng bà con nhân dân làm, nên các gia đình đã chuyển sang trồng cúc chi. Đây là năm đầu thí điểm trồng cúc chi, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, tuy nhiên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, hoa nhiều.
Ông Vù A Xa, Bí thư Đảng ủy xã Bản Hồ, cho biết: Với sự giúp đỡ về cây giống, phân bón và kỹ thuật từ Hợp tác xã và Vườn Quốc gia Hoàng Liên, những năm qua, người dân Bản Hồ đã phát triển vùng trồng dược liệu, người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thêm sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới tại Bản Hồ và cũng giúp người dân bớt tác động đến rừng.
Ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Với kết quả này, bước đầu đánh giá mô hình trồng cúc chi có nhiều triển vọng phát triển. Sản phẩm được liên kết sản xuất, tiêu thụ, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP trong tương lai. Chính quyền địa phương cần có sự phối hợp tốt với người dân, doanh nghiệp, tuyên truyền người dân sản xuất theo tiêu chuẩn, hướng tới tạo ra sản phẩm hữu cơ, an toàn.
Ngoài ra, cần có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp. Người dân được nâng cao thu nhập từng bước giảm sức ép vào rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và góp phần phát triển kinh tế gia đình và kinh tế – xã hội của địa phương.