Nhờ cây quýt, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở thị trấn Mường Khương (Mường Khương) đã thoát nghèo. Loại cây đặc sản “xứ Mường” còn góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương mỗi dịp vào mùa thu hoạch.
Cuối thu, khi ánh nắng vàng trải khắp nương đồi, sườn núi, người trồng quýt ở các thôn Lao Chải, Sa Pả, Chúng Chải A, Chúng Chải B… (thị trấn Mường Khương) lại bước vào vụ thu hoạch rộ.
Bén rễ vùng “đất thép” Mường Khương khoảng 10 năm nay, cây quýt đã trở thành trái ngọt của bao nhà khi góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Dẫn chúng tôi vào vườn quýt rộng mênh mông, cây nào cũng trĩu quả đang ngả sắc vàng đón nắng, chị Chấu Thị Thu ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương tâm sự: Cây quýt sen cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con chú ý chăm chút từng cây như những đứa con của mình. Nhờ cây quýt, chúng tôi đã có của ăn, của để, không phải lo từng bữa cơm như trước nữa.
Theo chị Thu, vườn quýt của gia đình được trồng theo phương pháp hữu cơ chuẩn VietGAP, không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, để áp dụng quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, vào những thời điểm quan trọng của mùa quýt, gia đình chị phải sử dụng các kỹ thuật cắt tỉa cành, làm cỏ, chăm sóc quả tỉ mỉ cũng như luôn thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nhằm bảo vệ thương hiệu quýt sạch Mường Khương. Hiện tại, vườn nhà chị Thu có 2.000 cây quýt. Năm nay quýt chín sớm, được giá, dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Cây quýt không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người trồng mà còn góp phần quảng bá du lịch thị trấn Mường Khương. Mỗi mùa quýt chín, thị trấn Mường Khương lại nhộn nhịp hơn bởi lượng khách đến tham quan và thu hái quýt tại vườn. Nắm thời cơ, nhiều hộ trồng quýt đã cho khách tham quan và thu hái, mua quýt tại vườn. Đây cũng là dịch vụ thu hút khách mỗi khi quýt vào vụ và giải tỏa nỗi băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm so với quýt bày bán tại chợ.
Vườn quýt sạch La Sủi ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương của chị Lồ Dìn Sủi là một trong những vườn nổi bật trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Vườn nhà chị Sủi có 8.000 cây quýt, từ năm 2013, chị đã kết hợp mô hình trồng quýt gắn với du lịch. Theo chị Sủi, đây không chỉ là cách gia tăng giá trị cho trái quýt Mường Khương, tăng thu nhập cho gia đình mà còn là hình thức quảng bá du lịch Mường Khương. Ðến nay, vườn quýt sạch La Sủi đã đón hàng chục nghìn lượt khách. Ðây cũng là hướng đi đang được một số hộ ở địa phương áp dụng.
Vào mỗi vụ quýt, gia đình thường đón khách đến tham quan và mua quýt tại vườn. Việc làm này giúp khách ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc quýt, họ còn được chụp ảnh, mua được đúng quýt Mường Khương.
Suốt nhiều năm qua, quýt Mường Khương đã khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Đến nay, thị trấn Mường Khương đã có hơn 261,8 ha quýt, tại 10 thôn với 350 hộ trồng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao này đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, góp phần xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tại địa phương.