Phóng viên: Thưa đồng chí, quân đội đặt ra yêu cầu học tập và rèn luyện thế nào theo tinh thần “7 dám”?
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân: Truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam là: “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh”, trong tất cả sự lựa chọn thì hy sinh là điều khó khăn nhất. Sự hy sinh của bộ đội dù trong thời chiến hay thời bình không có tiền lương nào so sánh và bù đắp được. Hình ảnh chiến sĩ mang quân phục xanh lao vào những đám cháy rừng để cứu giúp Nhân dân, vượt qua lũ dữ cứu cuộc sống của bà con hoặc đi thẳng vào tâm dịch Covid-19 hỗ trợ chống dịch… đã minh chứng rõ nét điều đó.
Quân đội là “một ngành lao động đặc biệt”, các bộ phận duy trì thời gian làm việc 24/24 giờ trong ngày, thường xuyên phải xa nhà… Trước yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân càng phải đề cao quyết tâm đưa tinh thần “7 dám” trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, là động lực, cẩm nang để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai những nội dung gì đối với chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2024?
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân: Những năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo 100% cấp ủy, chi bộ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Quá trình tổ chức thực hiện luôn bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân khu 2 và Tỉnh ủy Lào Cai để kịp thời bổ sung, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế; kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2024 do Tỉnh ủy xác định, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa nội dung vào nghị quyết thường kỳ, kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai 100% cán bộ, đảng viên viết bản cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong năm bằng những việc làm cụ thể, gắn với chức trách được giao. Lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong lực lượng vũ trang tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống phát thanh nội bộ, gương người tốt, việc tốt… góp phần tô thắm hơn nữa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Việc thực hiện các nội dung theo tinh thần “7 dám” được lồng ghép trong các phong trào thi đua năm và các đợt thi đua cao điểm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Hiện một số đơn vị đã xây dựng các mô hình học tập và làm theo Bác bám sát chủ đề liên quan, tiêu biểu ở Trung đoàn 254 là mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau” nhằm nêu cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trong đó “3 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chiến sĩ; “2 trước” là dậy trước và làm trước chiến sĩ; “2 sau” là ăn sau, ngủ sau chiến sĩ.
Đối với cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đội ngũ cán bộ làm trợ lý, tham mưu, giúp việc cho chỉ huy cụ thể hóa thực hiện theo tiêu chí: Tham mưu đúng, trúng, hiệu quả; nói ngắn gọn, dễ hiểu, làm ngay.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rất coi trọng việc nêu gương từ Chính ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến từng cán bộ cơ sở với phương châm “trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”.
Phóng viên: Việc quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “7 dám” có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân: Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt, xây dựng cán bộ làm trung tâm. Việc quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “7 dám” có ý nghĩa quan trọng, góp phần trực tiếp đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phóng viên: Thời gian tới, tiếp tục triển khai tinh thần “7 dám”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân: Trước hết, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện tinh thần “7 dám” không chỉ dừng lại là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong một thời điểm mà Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xác định đây là “cẩm nang” thường xuyên, gắn kết với các hình thức, phương thức giáo dục khác để đẩy mạnh tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Chỉ khi cán bộ thực sự “dám” đối diện với những thói hư, tật xấu, khuyết điểm… của bản thân thì mới có động lực để “dám” cống hiến, hy sinh vì tập thể, vì đơn vị, vì sự nghiệp xây dựng quân đội. Đó cũng là cách để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện hiệu quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại tá đã trả lời phỏng vấn!