Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lần đầu tiên lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô điện, xe hybrid (xe “lai”), xe chạy bằng nhiên liệu hydro.
Sửa quy định lỗi thời
Theo Bộ GTVT, quy chuẩn hiện hành sau 8 năm áp dụng đã phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe thuần điện, xe hybrid, xe chạy nhiên liệu hydro…
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô bởi tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi.
Bộ TN-MT được giao chủ trì với các bộ: GTVT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương… trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội nghiên cứu, đánh giá từng giai đoạn trong lộ trình này.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ô tô điện nhằm bảo đảm an toàn trong vận hành, sửa chữa cũng như nạp điện cho bộ lưu trữ. Tuy nhiên, yêu cầu nối đất đối với thiết bị sạc có thể gây khó cho người dùng khi sạc điện tại hộ gia đình vì hiện nay, hầu hết nguồn điện ở hộ gia đình không có hệ thống nối đất riêng.
“Nên bổ sung yêu cầu đối với người sử dụng phương tiện cơ giới chạy bằng điện. Chẳng hạn, khi đấu nối thiết bị sạc vào mạng điện áp cao – nơi không có hệ thống nối đất riêng – thì cần tuân thủ quy trình cụ thể nào” – TS Nguyễn Trung Nhân góp ý.
Hỗ trợ phát triển thị trường ô tô
Các chuyên gia cho rằng nếu chậm trễ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với khí thải ô tô sẽ không chỉ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng mà còn làm đình trệ sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng dẫn chứng châu Âu, Mỹ… đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải ô tô, Việt Nam có thể tham khảo để rút ngắn thời gian nghiên cứu.
“Áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn của thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam còn giúp ô tô sản xuất trong nước thích ứng được với thị trường thế giới, thuận lợi hơn khi xuất khẩu” – ông Đồng gợi ý.
Mặt khác, theo các chuyên gia, nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với ô tô lưu hành trong nước sẽ không tạo ra được hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành ô tô nội địa cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Hậu quả là những sản phẩm không đạt chất lượng có thể xâm nhập thị trường trong nước, được tiêu thụ với giá rẻ.
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiệp hội đã góp ý rất chi tiết về tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với ô tô nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được tiêu chuẩn để làm cơ sở xây dựng quy chuẩn về chất lượng của phương tiện cơ giới chạy điện.
Hơn nữa, các bản dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với xe chạy điện, xe hybrid, xe chạy bằng nhiên liệu hydro hiện mới đề cập những nội dung đơn giản như tiêu chuẩn vật liệu, hệ thống điện… Trong khi đó, còn khá nhiều tiêu chuẩn khác phức tạp hơn cũng cần được xem xét thêm.
Các hãng ô tô mong muốn sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải và chất lượng đối với ô tô bởi đó là cơ sở để hình thành chính sách phát triển, từ đó hãng mới có thể xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài.
“Do chưa biết tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam như thế nào nên chúng tôi chưa thể nghiên cứu, đầu tư chính thức. Đơn cử, tiêu chuẩn cơ bản nhất là tiêu chuẩn về trạm sạc xe điện hiện cũng chưa có nên các hãng chưa dám sản xuất, cũng chưa dám nhập nhiều xe “xanh” về vì sợ không phù hợp” – đại diện một hãng xe nói.
Bắt buộc kiểm định khí thải xe máy từ năm 2025
Theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) bắt buộc thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải do các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục.
Số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam hiện khoảng 70 triệu chiếc, trong đó có hơn 45 triệu chiếc đang lưu hành. Mỗi năm, các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) bán được trung bình khoảng 2,8 triệu chiếc; nếu tính cả DN không thuộc VAMM như VinFast, Kymco… thì doanh số còn lớn hơn.
Cùng với ôtô, xe máy là một trong những nguồn phát thải khí CO lớn nhất ra môi trường song do hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân còn hạn chế, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu.