Sức sống mới cho tua di sản
Tua đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long ra mắt từ năm 2021, nhận được sự quan tâm của du khách. Đến với tua đêm, du khách có thể hình dung một phần lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trải dài từ thế kỷ VII-XIX, xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn.
Việc áp dụng công nghệ, các trò chơi, nhiệm vụ khiến hành trình du lịch thêm thú vị, phù hợp với giới trẻ.
Kết thúc tua là trò chơi Giải mã Hoàng thành Thăng Long dành cho du khách. Một số hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành được trình chiếu bằng laser trên các nền móng dấu tích khảo cổ để du khách tìm hiểu và giải đáp. Những chi tiết thú vị và gợi ý giải mã lần lượt hé lộ trong quá trình tham quan.
Phát triển sâu hơn loại hình này, ứng dụng Outting với tua game di sản ở làng cổ Đường Lâm giúp hành trình du lịch của du khách sống động hơn. Ứng dụng sẽ vẽ đường đi từng trạm, khi đến đúng điểm, du khách được ứng dụng giới thiệu thông tin về di sản đó. Các nhiệm vụ, thử thách cũng lần lượt được đưa ra, gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến. Người chơi phải trả lời từng câu hỏi để tích điểm.
Chương trình khác được ứng dụng Outting phát triển là trò chơi nhập vai Mật mã từ cổ vật tại Bảo tàng Hùng Vương (Việt Trì). Trò chơi mô phỏng cuộc phiêu lưu, truy tìm mật mã tại bảo tàng. Trong hành trình này, đội chơi giải các câu đố liên quan đến các cổ vật và tìm hiểu về vùng đất Tổ truyền thống. Mỗi trạm dừng trên trò chơi vừa cung cấp thông tin, vừa kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và nhân vật lịch sử nổi tiếng. Nhà sản xuất trò chơi khẳng định, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp đơn giản hóa công tác tổ chức tham quan, giảm số lượng người quản lý học sinh, đồng thời phân bổ các đội chơi hợp lý để tránh quá tải và đảm bảo quy định hoạt động tại bảo tàng.
Mật mã từ cổ vật được chia thành nhiều trạm, với đa dạng thử thách như nhảy dây, phát hiện lỗi sai, ghép hình, đố vui. Mỗi trạm được bày trí ở một không gian khác nhau tại bảo tàng. Người chơi được rèn luyện các kỹ năng ghi nhớ, giao tiếp, tư duy tưởng tượng không gian, trí tò mò khám phá chủ động.
Ra mắt cuối tháng 5/2024, chương trình trải nghiệm foodtour phố cổ Hà Nội bằng trò chơi di động cũng được nhiều người ủng hộ. Với 8 điểm trải nghiệm quanh phố cổ, du khách có thể vừa thưởng thức các món ăn hấp dẫn vừa có thể khám phá thêm về lịch sử, di tích. Điểm đến đầu tiên trong hành trình là bốt Hàng Đậu. Các điểm đến trong tua phần lớn hướng đến các di tích lịch sử quanh phố cổ Hà Nội như di tích 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, đền Bạch Mã… Để hoàn thành nhiệm vụ, du khách cần đến đúng địa điểm nhận nhiệm vụ từ BTC, làm theo hướng dẫn sẵn có trên ứng dụng.
Thú vị và thách thức
Ông Nguyễn Bá Tùng, Giám đốc CTCP công nghệ Outing App – công ty phát triển các ứng dụng trò chơi kết hợp tìm hiểu văn hóa, di sản, du lịch – cho biết, năm 2024 công ty tập trung phát triển các ứng dụng dành cho lĩnh vực du lịch đặc biệt là du lịch gắn với di sản.
Các hoạt động giúp người chơi rèn luyện nhiều kỹ năng ghi nhớ, giao tiếp, tưởng tượng không gian.
“Với tính năng tiêu biểu nhất là tạo ra bản đồ gắn với những điểm đến, di tích hoặc không gian du lịch, các ứng dụng sẽ dựa trên nền tảng định vị GPS để đưa ra thông tin hoặc nhiệm vụ, câu hỏi cho du khách, người chơi. Sau khi người chơi, du khách cài ứng dụng làm theo hướng dẫn đến đúng vị trí yêu cầu, du khách sẽ nhận được thông tin về điểm đến, di sản, di tích đó hoặc là câu đố, câu hỏi gắn với điểm đến”, ông Nguyễn Bá Tùng giải thích.
Sau 4 năm phát triển và vận hành, các game di sản vươn tới Hội An, Sa Pa, Hạ Long, Cát Bà, Hà Nội, Huế, TPHCM… Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tập trung phát triển ứng dụng dành cho du khách quốc tế. “Chúng tôi cũng hướng đến chuyển đổi từ ứng dụng điện thoại thành các website. Theo đó, du khách có thể vừa chơi game vừa khám phá di sản bằng cách truy cập vào website thông qua mã QR do ban tổ chức chương trình hoặc giáo viên cung cấp”, ông Nguyễn Bá Tùng nêu.
Du khách Tuấn Anh (22 tuổi) chia sẻ, khi tham gia trải nghiệm foodtour phố cổ bằng ứng dụng điện thoại: “Khi trải nghiệm trò chơi, tôi hiểu rõ hơn về các danh lam thắng cảnh. Việc tích hợp giữa lịch sử của Việt Nam vào ứng dụng trò chơi là sự kết hợp sáng tạo giữa công nghệ và di sản”.
Game hóa di sản tại Việt Nam vừa là hướng đi mới đầy tiềm năng trong phát triển du lịch, vừa mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, lịch sử. Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh khẳng định, nhờ tận dụng công nghệ hiện đại, các dự án trò chơi điện tử đem đến hình thức truyền tải văn hóa mới, thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là người trẻ.
“Xu hướng này tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của trò chơi mang lại nhiều tiềm năng, nhưng cũng không thiếu thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đảm bảo tính chính xác và tôn trọng di sản văn hóa”, ông Phạm Hải Quỳnh nói.
Nếu không đảm bảo tính chính xác về kiến thức văn hóa, lịch sử của địa phương, ứng dụng trò chơi sẽ gây hậu quả khôn lường. Nguồn lực tài chính và công nghệ để phát triển những trò chơi chất lượng cũng là bài toán khó giải. Các chuyên gia đề xuất, để thúc đẩy hoạt động quảng bá du lịch qua ứng dụng trò chơi, cần có sự hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức văn hóa, các nhà phát triển trò chơi. Để hình thức này phát huy hiệu quả, cần đảm bảo các trò chơi không chỉ hấp dẫn mà còn chính xác và tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử.
Thái Lan, Trung Quốc quảng bá du lịch nhờ game
Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan cũng được đề xuất làm bối cảnh trong trò chơi di động đình đám Ragnarok Origin của nhà phát triển game đến từ Hàn Quốc. Các cảnh trong trò chơi còn xuất hiện thêm trang phục truyền thống của đất nước Thái Lan, võ phục Muay Thái, băng quấn đầu voi,… làm trang phục cho nhân vật. Trò chơi The great wall run tại Trung Quốc đem đến hành trình chạy bộ dọc theo Vạn Lý Trường Thành. Người chơi sử dụng thẻ điện tử để theo dõi quãng đường và nhận phần thưởng khi đạt các mốc nhất định.