Thay vì những cách quảng bá xưa cũ, việc áp dụng công nghệ đang hỗ trợ nhiều đơn vị sân khấu, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả.
Giới thiệu nghệ thuật Chèo trên website của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Sân khấu thời 4.0
Chỉ cách đây vài năm, việc quảng bá các tác phẩm sân khấu bên cạnh các kênh truyền thống là những hình ảnh quen thuộc của pano, áp phích… được giới thiệu trên các nẻo đường phố. Thế nhưng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, cách tiếp cận khán giả của nhiều đơn vị sân khấu đang dần có sự thay đổi, dù chậm nhưng đang mang đến những hiệu ứng tích cực.
Sau một thời gian ấp ủ, mới đây Nhà hát Chèo Việt Nam đã vừa ra mắt website phiên bản mới nhằm mục đích mở rộng quảng bá nghệ thuật chèo truyền thống đến đông đảo khán giả trong nước và quốc tế tại địa chỉ https://nhahatcheovietnam.vn. Thông qua đó, website sẽ giới thiệu những vở diễn kinh điển nổi tiếng của nghệ thuật chèo truyền thống như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên, Kim Nham, Tôn Mạnh – Tôn Trọng, Chu Mãi Thần, Từ Thức; Giới thiệu các vai diễn mẫu mực, những trích đoạn tinh hoa, âm nhạc, phục trang, hóa trang, đạo cụ, trang trí sân khấu… Bên cạnh đó, website cũng giới thiệu những nghệ sĩ tiêu biểu, tài năng của Nhà hát Chèo Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ, trong thời đại công nghệ số thì việc ra mắt, vận hành website là công việc hết sức quan trọng đối với một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như Nhà hát Chèo Việt Nam. Ra mắt website mới, Nhà hát hướng tới mục đích nghiên cứu, sưu tầm lưu giữ, quảng bá những nét tinh hoa, đặc sắc của nền nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống phát huy truyền thống vẻ vang của Nhà hát Chèo Việt nam trên 70 năm hình thành và phát triển.
Không chỉ Nhà hát Chèo Việt Nam, việc chuyển đổi số trong truyền thông thời gian qua cũng đang được triển khai rộng khắp tại nhiều đơn vị sân khấu. Hiện tại, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam… đang triển khai dịch vụ bán vé trực tuyến với nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Không những vậy nhiều đơn vị thông qua các fanpage của nhà hát, các nghệ sĩ nổi tiếng còn tổ chức các buổi livestream tương tác với khán giả. Đặc biệt, nhiều sân khấu còn mạnh dạn số hóa các dữ liệu thông tin các vở diễn giúp công chúng dễ dàng tiếp cận các tác phẩm mới sắp được công diễn.
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ NSƯT Sĩ Tiến, đến nay kênh trực tuyến đã chiếm đến 95% tổng lượng vé bán ra của mỗi suất diễn. Hình thức này phù hợp với thói quen tiêu dùng của đại đa số khán giả trẻ, khi họ chỉ cần ngồi ở nhà “click chuột” rồi tới rạp check-in trước giờ diễn, thay vì phải đi lại nhiều lần.
NSND Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thông tin, Nhà hát đã số hóa nhiều nội dung vào kho lưu trữ của hệ thống. Chỉ cần gõ nhan đề một vở diễn, bạn sẽ tìm thấy đủ thông tin như họa sĩ trang trí, người dựng vở, danh sách diễn viên, phục trang, số đo… Quá trình số hóa đã chi tiết tới tận cấp quản lý, tránh được tình trạng phải tìm rất lâu mỗi khi cần tra cứu về một thông tin nào đó như trước đây.
Tạo đà phát triển
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số của sân khấu đang là yêu cầu tất yếu trên hành trình đi tìm khán giả. Thậm chí thông qua các nền tảng xã hội hiện nay chính các nghệ sĩ còn đang đảm nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ mới, với mục đích chung là đưa khán giả đến với nhà hát. Ít ai nghĩ rằng, trong vai trò Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vô cùng bận rộn, NSND Tống Toàn Thắng luôn luôn tranh thủ livestream để khán giả dễ dàng nắm bắt thông tin về các hoạt động của nghệ thuật Xiếc. Các trang Facebook của NSND Xuân Bắc, NSND Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam); NSƯT Lộc Huyền, NSƯT Kiều Oanh (Nhà hát Tuồng Việt Nam); NSND Triệu Trung Kiên, NSƯT Trần Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam); NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Kịch Lệ Ngọc)… giờ đây không chỉ là nơi chia sẻ thông tin cá nhân mà còn là kênh quảng bá cho các hoạt động sân khấu.
Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực thay đổi, nhưng không thể phủ nhận trong việc áp dụng công nghệ với lĩnh vực sân khấu đang đi sau, thậm chí “đi chậm” so với nhiều lĩnh vực khác. Ở đó, có một thực tế việc chuyển đổi số trong của nhiều sân khấu do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn hạn chế, phân bố còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu. Chưa kể, nhiều nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, trang thiết bị kỹ thuật nghèo nàn chưa đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của khán giả hiện nay. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 80 nhà hát, công trình có chức năng tương đương đang hoạt động, nhưng lại có rất ít đơn vị có thể áp dụng những thành tựu của công nghệ vào hoạt động.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả, phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay. Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết cần có các phương tiện, công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số.
Theo báo Đại đoàn kết