Cách đây 1 năm, nhiều tiểu thương tại chợ Võ Lao (Văn Bàn) thường than phiền vì chợ xập xệ, xuống cấp. Thời điểm đó, nền chợ luôn lõng bõng nước, phần mái đã bị hỏng, dột nước, sơn tường bong tróc, nham nhở. Đây là khu chợ chính phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của người dân Võ Lao và các xã lân cận như Nậm Mả, Nậm Dạng.
Cách đây hơn 2 tháng, chợ Võ Lao được đầu tư sửa chữa. Toàn bộ mái tôn khu nhà chính của chợ được sửa chữa, thay mới; hệ thống thoát nước, chống ngập được khơi thông, tu sửa; tường được sơn lại… Khi việc sửa chữa hoàn thành, khu chợ đã có diện mạo mới khang trang hơn. Chợ Võ Lao có hơn 100 tiểu thương, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm hằng ngày của người dân.
Ông Trần Văn Soi, tiểu thương ở chợ Võ Lao cho biết: Trước kia cứ mưa là dột, bà con phải căng bạt che hàng hóa và để người mua, người bán không có chỗ tránh mưa. Hệ thống thoát nước không tốt nên chợ lúc nào cũng ướt, bẩn, mất vệ sinh nghiêm trọng. Giờ đây, chợ khang trang, sạch sẽ hơn, chúng tôi dỡ hết bạt ra rồi, nhìn thoáng đãng, đẹp hơn hẳn.
Chợ trung tâm Bát Xát là khu vực tập trung hoạt động thương mại của người dân thị trấn Bát Xát và các xã lân cận như Bản Qua, Phìn Ngan, Quang Kim, Bản Vược… Trước thực trạng quy mô dân số ngày càng tăng, nhu cầu hoạt động thương mại lớn, chợ trung tâm tại thị trấn Bát Xát cần được đầu tư, nâng cấp. Tháng 12/2022, doanh nghiệp bắt tay vào việc xây dựng khu chợ lớn nhất huyện với kỳ vọng đây sẽ là “trung tâm thương mại” lớn, phục vụ việc giao thương không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn là nơi giao thương với các tiểu thương nước ngoài (Trung Quốc). Hiện nay, việc xây dựng đã hoàn thành 96%, đơn vị đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các công trình phụ trợ, dự kiến đưa chợ vào hoạt động trong tháng 10/2023.
Với gần 34.000 m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng, chợ trung tâm Bát Xát có khoảng 300 gian hàng tại khu vực chợ chính và 200 ki-ốt liền kề. Nhiều tiểu thương tại chợ tạm Bát Xát rất mong chờ khi chợ mới đi vào hoạt động, kỳ vọng đây không đơn thuần là địa điểm phục vụ hoạt động giao thương mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa – du lịch của địa phương.
Ông Phạm Văn Duyên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chợ phía Bắc (doanh nghiệp đầu tư chợ Bát Xát) thông tin: Chợ Bát Xát trước đây có quy mô nhỏ, đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu. Khi có chủ trương đầu tư nâng cấp chợ, chúng tôi mạnh dạn xây dựng chợ khang trang, hiện đại. Bát Xát là huyện biên giới, việc giao thương với các tiểu thương Trung Quốc diễn ra thường xuyên nên chúng tôi xác định đây sẽ là khu vực chợ đầu mối, phục vụ hoạt động kinh doanh của người dân Bát Xát nói riêng và các địa phương lân cận nói chung.
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh đang có 72 chợ hoạt động, trong đó chợ ở khu vực đô thị chỉ chiếm 30%, còn lại là chợ ở khu vực nông thôn. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 19 chợ được xây mới, 17 chợ được nâng cấp, cải tạo, chú trọng việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ không bảo đảm tiêu chuẩn để xây dựng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, trong đó có kế thừa hạ tầng thương mại truyền thống phục vụ nhu cầu của người dân và các đơn vị kinh doanh. Trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương xác định tập trung thu hút nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng thương mại.
Để phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực, chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.