Với sự vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành và nhận thức từ phía người dân, diện tích cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát.
Những năm trước đây, thảo quả được gây trồng và phát triển nhiều ở các xã vùng cao huyện Văn Bàn. Đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có khoảng 1.300 hộ trồng với hơn 2.400 ha thảo quả, tổng sản lượng thảo quả khô hằng năm đạt khoảng 500 tấn. Đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm giàu cho người dân địa phương.
Ông Triệu Văn Thanh ở thôn Ta Náng, xã Nậm Xé cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 10 ha thảo quả. Những năm được mùa, được giá, gia đình thu hơn 200 triệu đồng. Cây thảo quả không tốn nhiều công chăm sóc mà mang lại giá trị cao nên hầu như gia đình nào ở Nậm Xé cũng trồng.
Tuy nhiên, trồng và phát triển cây thảo quả có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học của rừng. Khi chăm sóc cây thảo quả, người dân phải phát những cây gỗ nhỏ, do vậy ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của rừng. Ước tính, để sấy khô 100 kg quả tươi phải cần 3 – 4 m3 củi, lượng chất đốt này do người dân chặt từ rừng và rừng lại tiếp tục bị tàn phá, suy kiệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Để bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên bền vững, huyện Văn Bàn đã xây dựng phương án quản lý sản xuất thảo quả dưới tán rừng tự nhiên giai đoạn 2020 – 2030, trong đó có việc chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp phát phá, lấn chiếm rừng tự nhiên trái pháp luật để mở rộng diện tích trồng thảo quả.
Tại huyện Bát Xát, năm 2020, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, quản lý việc canh tác thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân, trọng tâm là hướng dẫn người dân canh tác thảo quả bền vững, không trồng mở rộng trong rừng tự nhiên, không trồng lại trên diện tích cũ; nghiêm cấm phát dọn cây tái sinh, cây gỗ trong quá trình chăm sóc thảo quả; không dựng lều, lán trong rừng để làm nơi sinh hoạt và sản xuất thảo quả; không chặt phá cây rừng để sấy thảo quả…
Ông Ngô Kiên Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Toàn bộ diện tích thảo quả của huyện Bát Xát đã được đơn vị phối hợp với chủ rừng và UBND cấp xã lập danh sách quản lý, từ đó xây dựng phương án phục hồi rừng khu vực canh tác thảo quả đang bị suy thoái, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả việc khoán bảo vệ rừng để người dân địa phương sống gần rừng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Việc triển khai đồng bộ các biện pháp đã mang lại kết quả rõ rệt trong việc giảm diện tích cây thảo quả. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát không có diện tích trồng mới, trồng lại, vì vậy diện tích cây thảo quả ngày càng thu hẹp, nhất là trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Hiện, huyện Bát Xát có khoảng 4.267 ha thảo quả, giảm 400 ha so với năm 2015.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc không mở rộng diện tích thảo quả, tiến tới xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên vào năm 2030, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc trong quản lý sản xuất thảo quả bền vững.
Các đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức tuyên truyền và ký cam kết sản xuất thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với 15.027 lượt người dân. Tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ 3.048 lều, lán sấy thảo quả trong rừng.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không phát sinh diện tích trồng mới, không trồng lại các diện tích già hóa. Hiện nay, tổng diện tích thảo quả trên địa bàn tỉnh khoảng 12.477 ha, giảm 1.602 ha so với năm 2015.
Cùng với đó là chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bám địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi phát, phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng thảo quả, đặc biệt là canh tác thảo quả không an toàn gây cháy rừng. Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện cho các hộ cam kết không sản xuất thảo quả dưới tán rừng được nhận khoán bảo vệ rừng…