Thực hiện Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn) đã xây dựng mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” do phụ nữ làm chủ. Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã góp phần tăng giá trị canh tác đất cấy lúa lên gấp đôi và quan trọng hơn là nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn vốn được coi là mảnh đất chuyên cấy giống lúa Khảu Tan Đón mà Nhân dân thường suy tôn là “Đệ nhất nếp”. Đặc biệt, đây là giống lúa để làm sản phẩm cốm nức tiếng gần xa với hương vị ngọt ngào, dẻo thơm đặc trưng.
Khi được các chuyên gia của Dự án 8 tư vấn, Hội Phụ nữ xã đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã Thẳm Dương đồng ý cho xây dựng mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” do phụ nữ làm chủ tại 4 thôn. Mỗi thôn lập một tổ sản xuất với sự tham gia của 7 đến 10 hộ dân để tổ chức cấy giống lúa nếp địa phương, sau đó thu hoạch để làm sản phẩm OCOP 4 sao Cốm Khảu Tan Đón và các sản phẩm khác như bánh gạo, bánh chưng đen… với giá trị kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho phụ nữ.
Chị Vi Thị Sơn ở thôn Bản Ngoang (xã Thẳm Dương) cho biết vụ lúa nếp năm nay, gia đình chị thu hoạch được khoảng 1,5 tấn thóc. Không giống như mọi năm bán thóc cho thương lái, năm nay gia đình chị làm cốm Khảu Tan Đón, mua máy về đóng gói đúng theo quy chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao để bán. Nếu như trước đây 1 tấn thóc nếp địa phương chỉ bán được 20 triệu đồng thì khi chuyển sang sản xuất cốm, gia đình chị thu được 60 triệu đồng.
Ngoài việc sản xuất ra sản phẩm OCOP 4 sao Cốm Khảu Tan Đón để nâng cao thu nhập, hội viên phụ nữ còn được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, PostMart… để quảng bá, bán sản phẩm và thu hút khách du lịch đến tham quan, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chị La Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương chia sẻ: Mới đi vào hoạt động được gần một năm nhưng hiệu quả của mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” đã được khẳng định. Năm 2023, các tổ liên kết đã sản xuất, đưa ra thị trường 2 tấn cốm. Với giá bán ổn định khoảng 100 – 120 nghìn đồng/kg cốm, số tiền thu được cao hơn so với mức thu từ bán thóc của những năm trước. Hy vọng trong những năm tới mô hình này sẽ được nhân rộng để nâng cao thu nhập đáng kể cho phụ nữ trong xã. Hơn thế là góp phần tăng tình đoàn kết, gắn bó, sẵn lòng giúp nhau những lúc khó khăn trong hội viên, phụ nữ.
Theo ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thẳm Dương, mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” do phụ nữ làm chủ đã góp phần thúc đẩy sản xuất lúa nếp địa phương theo hướng hàng hóa. Điều này không chỉ mang lại thu nhập cao cho nông dân mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Xã Thẳm Dương hiện có gần 100 ha trồng lúa nếp Khảu Tan Đón. Dự kiến trong năm tới sản phẩm cốm “Khảu Tan Đón” sẽ được đưa ra thị trường trong nước và quốc tế qua hệ thống các siêu thị và nhà cung cấp trên sàn thương mại điện tử.