Mới đây, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, JR. đã ban hành Sắc lệnh số 62, theo đó sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Đối với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu từ mức 35% sẽ cắt giảm xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028.
Đây có thể được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục trên thị trường kể từ đầu năm tới nay.
Mức giá bán lẻ một số mặt hàng gạo tại Philippines thời điểm tháng 9/2022 (giá bán lẻ thời điểm hiện tại đã tăng lên 54 – 60 pesos/kg).
Theo đó, trong quý I/2024, tình hình kinh tế Philippines tương đối ổn định, ngoại trừ sự tăng giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng gạo, với mức tăng trong quý I/2024 vào khoảng 24,4%. Trong đó, giá gạo chiếm mức khoảng 9% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI – Consumer Price Index) của Philippines.
Vì vậy, thời điểm có hiệu lực của Sắc lệnh số 62 là 30 ngày kể từ ngày đăng công báo (ngày 20/6/2024); đối với thuế nhập khẩu gạo, thời điểm áp dụng là sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Như vậy, thời điểm áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo mới của Philippines dự kiến vào đầu tháng 8/2024.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định, việc Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ tạo thêm thuận lợi và gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.
Cụ thể, thông tin từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry), Bộ Nông nghiệp Philippines cho thấy, năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn, tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023 với mức nhập khẩu 1,64 triệu tấn.
Trong đó, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Kể từ ngày 1/1 đến ngày 23/5/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan với 300.227 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Ý và Tây Ban Nha.