Hạ tầng viễn thông phát triển tạo điều kiện để người dân sử dụng thuận lợi các dịch vụ viễn thông, thông tin, giải trí và bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 956 tuyến truyền dẫn (trong đó có 77 tuyến cáp ngầm với tổng chiều dài 302 km; có 879 tuyến cáp với tổng chiều dài 9.026 km). Hạ tầng viễn thông hiện nay đảm bảo 1.533/1.562 (98%) trung tâm thôn, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động 3G, 4G. Về hạ tầng truy cập internet, hiện nay, 1.336/1.562 (85,5%) thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập internet.
Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho hơn 800.000 thuê bao điện thoại và hơn 600.000 thuê bao internet băng rộng (trong đó có 115.120 thuê bao internet cố định và 519.229 thuê bao internet di động). Hiện nay, hơn 107.000 gia đình, chiếm 61,4% tổng số hộ có kết nối internet cáp quang và 63.788 thuê bao truyền hình trả tiền.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 29 thôn chưa được phủ sóng băng rộng di động (3G, 4G) và 226 thôn chưa có hạ tầng băng rộng cố định (cáp quang) đều là các thôn thuộc khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Tại các khu vực này, dân cư thưa, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông thấp, lợi nhuận kinh doanh gần như không có, trong khi việc đầu tư hạ tầng tại những khu vực này đòi hỏi chi phí cao.
Hiện còn thiếu những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng tại những khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc khu vực doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường. Một số khu vực người dân chưa hiểu vai trò của hạ tầng viễn thông trong việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nên tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân không tạo điều kiện, thậm chí cản trở việc phát triển hạ tầng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để đáp ứng khả năng kết nối, phục vụ chuyển đổi số, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ. Hạ tầng số được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Lào Cai có định hướng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn đang phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; hạ tầng công nghệ số (là các nền tảng cung cấp API để xây dựng và triển khai các ứng dụng) và các nền tảng có tính chất hạ tầng (là nền tảng hình thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số).
Lào Cai đang tập trung vào một số mục tiêu: Trên 98% thôn, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động 4G; mở rộng hạ tầng cung cấp dịch vụ băng rộng 5G; từng bước tắt sóng hạ tầng công nghệ thế hệ cũ (2G, 3G); 100% thôn, tổ dân phố có hạ tầng băng rộng cố định (cáp quang) phục vụ nhu cầu cho trên 90% hộ. Nâng cao chất lượng kết nối băng rộng cố định tại các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp; 100% người sử dụng dịch vụ di động có smartphone.