Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.
Đó là nội dung chính được các nhà quản lý, chuyên gia du lịch bàn luận tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững” diễn ra ngày 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế – VITM Hà Nội 2024.
Một số địa phương thực hiện hiệu quả
Trong Quyết định số 882/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, trong Nghị quyết số 82/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi du lịch xanh là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết.
Tại hội thảo, các tiêu chí của du lịch xanh được định vị rõ ràng hơn để các địa phương, đơn vị có hành động thiết thực, hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam – Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa”, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho những người làm du lịch. “Du lịch xanh phải hướng các yếu tố: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch sử dụng những phương tiện thân thiện môi trường; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Nhận định du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch xanh cần được hiểu theo nghĩa tăng trưởng kinh tế xanh thông qua phân phối sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, công trình xanh.
Hiện nay, du lịch xanh đang được nhiều địa phương thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khuyến cáo người dân và du khách không mang đồ dùng nhựa ra đảo. Tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như “Xây dựng thành phố Hội An – Thành phố sinh thái”; triển khai dự án “Nâng cao nhận thức đối với chất thải rắn. Tỉnh Ninh Bình xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh, hướng đến trải nghiệm thiên nhiên…
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Mặc dù nhận định chuyển đổi du lịch xanh đã có sự chuyển biến nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương thực hiện manh mún “mạnh ai nấy làm”. Vì thế, du lịch xanh tại Việt Nam chưa hình thành hệ thống.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi du lịch xanh, Phó tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An Hà Thị Diệu Viên cho biết, đơn vị chủ trương sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, không dùng đồ nhựa trong các phòng lưu trú. Tuy nhiên, không phải khách du lịch nào cũng ý thức trong việc sử dụng những đồ dùng thân thiện. “Muốn chuyển đổi du lịch xanh cần phải có sự đổi mới về tư duy, nhận thức của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lẫn du khách. Nếu chỉ một đơn vị thực hiện thì cũng không thể nào thúc đẩy việc chuyển đổi du lịch xanh hiệu quả”, bà Hà Thị Diệu Viên bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, để chuyển đổi du lịch xanh hiệu quả, phát triển bền vững cần phải có sự chung sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân. “Các địa phương, đơn vị cần có hành động cụ thể hơn, quy hoạch các khu vực cho phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, thiết bị để giảm thiểu những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân cần phải chuyển từ nhận thức sang hành động, ứng xử đúng mực tài nguyên văn hóa, di sản”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hà Hải, từ bài học về mô hình du lịch xanh ở đảo Cô Tô, các đơn vị có thể xây dựng, phát triển những dòng sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch nhặt rác, tour trải nghiệm các hoạt động ngoài trời gắn với bảo vệ thiên nhiên. “Bản thân đơn vị khi tổ chức tour cần hướng dẫn, nhắc nhở du khách không xả rác, hạn chế sử dụng những chai nước nhựa dùng một lần”, ông Nguyễn Hà Hải bày tỏ.
Với xu hướng phát triển chung của thế giới hướng đến phát triển bền vững, ngành Du lịch đang nỗ lực vận động, tuyên truyền các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự liên kết để cùng thực hiện các tiêu chí của du lịch xanh; đưa các giải pháp về công nghệ, vật liệu thân thiện để xây dựng sản phẩm du lịch xanh hiệu quả và hấp dẫn.