Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho các chủ thể, tuy nhiên việc triển khai ở các địa phương đang gặp khó khăn.
Huyện Văn Bàn vừa tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023 đối với 3 sản phẩm, trong đó 2 sản phẩm đánh giá lại (tương ớt Khánh Yên Thượng, bánh chưng đen Văn Bàn) và 1 sản phẩm đánh giá mới (rượu nếp dẻo Nậm Xây).
Trước khi đưa ra Hội đồng cấp huyện đánh giá, Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã thẩm định vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất và họp đánh giá hồ sơ đăng ký so với thực tế, tổ chức rà soát số điểm các chủ thể tự chấm đánh giá sản phẩm theo đúng Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định 148.
Qua đánh giá của hội đồng, các sản phẩm cơ bản đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP 3 sao, tuy nhiên vẫn cần chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ sản phẩm.
Ông Triệu Quốc Chưởng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Các chủ thể gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP. Để có 1 bộ hồ sơ hoàn thiện, phòng đã cử cán bộ hướng dẫn và giới thiệu đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai, khó khăn trong xây dựng hồ sơ sản phẩm cũng là điểm chung của các chủ thể khi đề nghị đánh giá sản phẩm OCOP.
Trước đây, cấp tỉnh chủ trì đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thì các sở, ngành có cán bộ chuyên môn, trực tiếp hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị từ khâu xây dựng hồ sơ đến kiểm tra, thẩm định. Khi đưa ra đánh giá sẽ có bộ hồ sơ hoàn chỉnh, không phải chỉnh sửa nhiều.
Nay cấp huyện đánh giá, phân hạng thì phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ cơ sở, đơn vị tư vấn, thực tế tại hội đồng vừa qua tổ chức tại Văn Bàn thì thấy hầu hết hồ sơ chưa đạt.
Huyện Bảo Yên hiện có 25 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao, năm 2023 dự kiến đánh giá 10 sản phẩm, tuy nhiên từ đầu năm đến nay huyện vẫn chưa tổ chức được hội đồng đánh giá sản phẩm nào.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, việc phân cấp cho huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ giúp huyện chủ động kiểm tra, đánh giá sản phẩm, tuy nhiên khâu cuối cùng khi hội đồng đánh giá thì vẫn cần sự tham gia của các thành viên là sở, ngành của tỉnh nên còn phụ thuộc thời gian, lịch công tác của các cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành.
Việc phân cấp cho huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ giúp huyện chủ động kiểm tra, đánh giá sản phẩm, tuy nhiên khâu cuối cùng khi hội đồng đánh giá thì vẫn cần sự tham gia của các thành viên là sở, ngành của tỉnh nên còn phụ thuộc thời gian, lịch công tác của các cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành.
Theo Quyết định 148, việc đánh giá, phân hạng được triển khai ở 4 cấp: Xã, huyện, tỉnh và trung ương, với 6 nhóm sản phẩm.
Tại cấp xã, UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) tổ chức đánh giá một số nội dung của hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, gồm các tiêu chí: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương.
Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên.
Đối với cấp huyện, hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả.
UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Thành phần hội đồng đánh giá cấp huyện bắt buộc phải có đại diện của các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường và sở quản lý chuyên ngành.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, mặc dù quyết định đã ban hành từ đầu năm 2023, nhưng đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa ban hành bộ tài liệu tập huấn, dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện ở cấp tỉnh.
Ngoài ra, theo Quyết định 148 thì hiện tại, việc đánh giá, phân hạng đối với sản phẩm đạt từ 3 sao trở xuống được giao cho cấp huyện phụ trách. Trong khi đó tại điều 10 Nghị Quyết 26/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 quy định mức hỗ trợ sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, cấp tỉnh mới được hỗ trợ, điều này cũng gây nhiều băn khoăn cho các địa phương, bởi có cần sửa đổi thêm vào nội dung đạt chứng nhận cấp huyện không?
Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi phần mềm đánh giá, phân hạng OCOP cho phù hợp với Bộ tiêu chí đánh giá mới. Đánh giá ở cấp huyện yêu cầu có 3 sở, ngành cố định và sở quản lý sản phẩm đòi hỏi các sở trong điều kiện nhân lực hạn chế phải bố trí cán bộ tham gia đánh giá ở cấp huyện.
Những khó khăn này đang phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Dự kiến toàn tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 86 sản phẩm, trong đó 56 sản phẩm đánh giá lại và 30 sản phẩm công nhận mới. Tuy nhiên đến nay mới có huyện Văn Bàn tổ chức được 1 đợt đánh giá đối với 3 sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 163 sản phẩm của 80 chủ thể thuộc 60 xã, phường, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao và 138 sản phẩm 3 sao, đạt 63% so với mục tiêu Đề án đến năm 2030 (thị xã Sa Pa có 37 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 8 sản phẩm, huyện Bát Xát 12 sản phẩm, huyện Mường Khương 14 sản phẩm, huyện Bắc Hà 12 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 30 sản phẩm, huyện Bảo Yên 25 sản phẩm, huyện Văn Bàn 21 sản phẩm, huyện Si Ma Cai 4 sản phẩm).