Những ngày tháng 3 âm lịch, mặc dù là người may mắn được hòa vào dòng người hành hương về đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ) để dâng nén nhang tri ân hoặc người không thể trở về thì đều chung niềm tự hào được là “con Lạc, cháu Hồng”.
Theo tích xưa, trong cuộc “chia ly” trị vì đất nước của Lạc Long Quân và Âu Cơ, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ ngược vùng non cao. Lào Cai – nơi có đỉnh Fansipan (nóc nhà Đông Dương) được coi là vùng “non cao” cũng được đón bước chân của tiền nhân lên mở mang bờ cõi, trị vì. Truyền thuyết xưa là minh chứng của sự gắn bó mật thiết ngàn đời giữa các vùng đất, các tộc người trên miền ngược, xuôi của đất nước trong công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.
Người Lào Cai hôm nay luôn nhắc nhớ, tự hào về nguồn cội, luôn hướng về vùng đất Tổ để làm dày thêm nghĩa tình. Mối quan hệ giữa hai địa phương vì thế cũng luôn khăng khít, đồng hành trong sự nghiệp phát triển.
Ngược dòng lịch sử hàng nghìn năm trước, Lào Cai là một trong những “phên dậu quốc gia” luôn được các triều đại, các đời vua, chúa coi trọng, ra sức củng cố, giữ gìn.
Theo bà Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, khi đường bộ chưa phát triển, việc di chuyển khó khăn và gian nan như “lên giời”, chúng ta đã “chứng kiến” những cuộc hành quân chặn đánh, đuổi giặc phần lớn là bằng đường thủy, bởi lẽ giặc phương Bắc thường xâm lược nước ta qua các tuyến đường sông.
Với vị trí là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, Lào Cai chắc chắn là một trong những nơi luôn phải chịu sự đe dọa từ họa ngoại xâm phương Bắc, nơi chúng sẽ tiến đánh đầu tiên trên con đường xâm lược đất Việt. Và chắc chắn trong những cuộc chiến vệ quốc ấy, sự liên kết, gắn bó giữa người vùng thượng lưu sông Hồng là Lào Cai với các tỉnh, thành phía hạ lưu từ Yên Bái trở về Phú Thọ và các tỉnh, thành khác rất khăng khít.
Thời hiện đại, trong những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ biên giới phía Bắc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng là sự đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau của những người con cùng uống chung dòng nước từ “sông Mẹ”.
Những năm 60 của thế kỷ trước, sau Hội nghị Trung ương 5 khóa III về phát triển nông nghiệp, củng cố hợp tác xã vào tháng 9/1960, tháng 2/1963, Bộ Chính trị có nghị quyết riêng nhằm phát triển kinh tế – xã hội miền Bắc, đặc biệt là vùng miền núi nhằm biến miền núi từ một nền kinh tế tự cấp, tự túc dần dần trở thành nền kinh tế có nhiều sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống Nhân dân các dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và củng cố quốc phòng.
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, hàng vạn người dân các tỉnh, thành, trong đó có Phú Thọ nô nức ngược sông Hồng đến với vùng đất mới, chỉ với một khát vọng dựng xây và phát triển đất nước. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cũng là sự liên kết, gắn bó chí nghĩa, chí tình.
Gần đây nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, cùng với việc cung cấp nhân lực tòng quân, Phú Thọ là một trong những nơi chào đón người anh em miền ngược lánh nạn.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật quý có niên đại hàng nghìn năm và những hiện vật mô phỏng, kể lại câu chuyện của hàng nghìn năm trước. Trong hành trình khám phá kho tư liệu khổng lồ của tỉnh, người dân cũng như du khách tham quan luôn bị thu hút bởi bức tượng điêu khắc Lạc Long Quân – Âu Cơ được đặt ngay sảnh lớn của bảo tàng. Trong không gian rộng lớn, bức tượng cao trên 4 m sừng sững, uy nghi. Phía sau bức tượng là bức phù điêu với hình ảnh đỉnh núi Fansipan sừng sững giữa gió núi, mây vờn của vùng non cao.
Chia sẻ về nguồn gốc của bức tượng, bà Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bức tượng Lạc Long Quân – Âu Cơ do Bảo tàng Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tặng Bảo tàng Lào Cai từ tháng 6/2017, xuất phát từ việc tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh (cuộc vận động nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai 12/7/2017, đồng thời sử dụng trưng bày Chuyên đề “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vào ngày 6/10/2017). Việc hiến tặng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa hai tỉnh Lào Cai – Phú Thọ, giữa ngành văn hóa, đơn vị bảo tàng của hai địa phương. Đây cũng là việc làm ý nghĩa kể lại câu chuyện xưa, sự kết nối giữa vùng đất Tổ với nơi non cao của đất nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung phát triển trục kinh tế động lực dọc sông Hồng. Đây là trục kinh tế đóng vai trò “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển kinh tế của tỉnh; kết nối vùng, liên vùng và cả nước với khu vực Tây Nam Trung Quốc. Theo định hướng quy hoạch, trục kinh tế động lực dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu.
Nội dung: Tô Dung
Trình bày: Khánh Ly