Theo thống kê của ngành tài nguyên và môi trường, tỉnh Lào Cai đã có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt. Từ năm 2014, Lào Cai đã thực hiện Dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi với 4.700 công trình bể khí sinh học xử lý chất thải bằng biogas được hỗ trợ xây dựng. Hiệu quả thiết thực từ dự án đã được người dân nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 7.000 công trình bể biogas được xây dựng, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và biến chất thải chăn nuôi, chất thải nông nghiệp thành tài nguyên.
Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Lào Cai (công suất hơn 100 tấn/ngày) thành phân hữu cơ. Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu các mô hình xử lý rác thải thành điện; lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời tại các hộ và khu công sở, khách sạn, nhà hàng, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.
Hiện tại, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, có 154 gia đình và doanh nghiệp trong toàn tỉnh lắp đặt với công suất thiết kế/lắp đặt 1,993 MW, sản lượng điện năng đã ký hợp đồng mua bán điện và hòa lưới điện là 1.250.310 kWh.
Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai khuyến khích đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính. Các mô hình vận tải xe ô tô điện trên địa bàn thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai từng bước được nhân rộng. Ngành giao thông – vận tải cũng quan tâm phát triển giao thông công cộng theo hướng “xanh hóa”, vận hành tuyến xe buýt công cộng và nhiều loại hình xe khách công cộng khác.
Lào Cai có 14 cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, trong đó có 12 cơ sở thuộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và 2 cơ sở thuộc lĩnh vực giao thông – vận tải. Theo quy định, việc kiểm kê cụ thể sẽ được thực hiện trong giai đoạn tới. Trước mắt, các ngành chuyên môn tuyên truyền, đôn đốc các cơ sở chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc kiểm kê.
Bên cạnh việc giảm phát thải, Lào Cai cũng quan tâm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính. Tỉnh Lào Cai đã triển khai việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025; theo dõi cập nhật công bố diễn biến rừng hằng năm. Việc đóng cửa rừng, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên tiếp tục được thực hiện, góp phần quản lý và bảo vệ chặt chẽ 378.036 ha rừng hiện có. Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đã được xây dựng làm căn cứ thực hiện đồng bộ công tác quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tính từ năm 2012 đến năm 2022, diện tích rừng trồng mới của tỉnh đạt hơn 73.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đến hết năm 2023 đạt gần 60%. Người dân Lào Cai đã áp dụng tiến bộ khoa học trong trồng rừng, thâm canh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu từ cây lấy gỗ (keo, mỡ…) sang các loài cây đa mục đích cho giá trị cao như quế, bồ đề, trẩu…; năng suất, hiệu quả rừng trồng tăng từ 12 m3/ha/năm lên 15 m3/ha/năm. Nổi bật trong phát triển kinh tế rừng của Lào Cai là phát triển vùng trồng quế với thu nhập lên tới 500 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ 15 năm; phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 200.000 ha rừng được quản lý bền vững và 35% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ.
Theo ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, việc nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đang được tập trung tuyên truyền cho các đối tượng thuộc tất cả các lĩnh vực có phát thải ứng dụng khoa học – công nghệ mới. Lào Cai đang đề xuất với các bộ, ban, ngành Trung ương ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện việc thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng đối với những diện tích rừng có đủ điều kiện. Cùng với đó, xây dựng phương án bán tín chỉ các-bon (căn cứ đánh giá năng lực hấp thụ khí nhà kính) phù hợp với điều kiện của tỉnh, lộ trình của Việt Nam và thế giới để đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự hỗ trợ từ Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lào Cai (VFBC). Hiện nay, Lào Cai đã đề xuất chương trình hợp tác quốc tế mới với các tổ chức: WB, JICA KOICA, GEAT… để hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư.