Trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân, Đồn CANDVT Nậm Mít (nay là Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai) đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) mãi mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Máu đào của các anh hùng, liệt sĩ đó đã góp phần tô thắm thêm lá cờ tung bay trên cột cờ Lũng Pô ngày nay…
Giữ biên cương nơi đầu nguồn sông Hồng
Từ thành phố Lào Cai, ngược theo con sông Hồng khoảng 60km là tới điểm cực Bắc của huyện Bát Xát. Tại ngã ba sông biên giới – “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, là cột cờ Lũng Pô lộng gió. Tình cờ gặp nhau nơi địa danh lịch sử này, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP Lào Cai chia sẻ: “Không chỉ khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, cột cờ Lũng Pô còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn”… Và ít ai biết rằng, chính ở nơi đây, 45 năm trước là nơi đóng quân của Đồn CANDVT Nậm Mít. Tại đây, ngày 19/2/1979 đã chứng kiến sự chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền, độc lập dân tộc của những người lính mang quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc.
Ông Chử Đức Chương, cựu nhân viên cơ yếu của Đồn CANDVT Nậm Mít (từ năm 1979-1984), hiện ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ, nhớ lại: Tháng 11/1978, Đồn CANDVT Nậm Mít được thành lập, quản lý địa bàn 2 xã A Mú Sung và Nậm Chạc, huyện Bát Xát. Quân số khoảng 50 người, nhưng chỉ 50% được bố trí ở đồn, số còn lại thường trực ở 3 tổ chốt là Ma Cò, Tùng Sáng và Pạc Tà, mỗi chốt từ 6-8 người. “Lúc đó, toàn nhà tranh vách đất, vất vả lắm, mỗi lần đi tuần tra, anh em phải men theo bờ sông mà đi chứ chưa có đường sá đâu” – ông Chương cho biết.
Khi tấn công Bát Xát, lợi dụng sương mù dày đặc, đối phương đã bắc cầu phao qua sông Hồng (đoạn Lũng Pô), sau đó sử dụng khoảng một trung đoàn bộ binh vượt sang đất ta. Chúng chia ra làm 3 hướng, cùng một lúc luồn sâu, bao vây các tổ chốt và Đồn CANDVT Nậm Mít. “Lúc đó, Thượng úy Bùi Trọng Khinh, Đồn trưởng và Trung úy Bùi Văn Khá, Đồn phó chính trị đi dự họp ở tỉnh chưa về kịp. Trung úy Nguyễn Hồng Ngân, Đồn phó và Trung úy Lý A Tờ, Đồn phó chính trị 2 trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu” – Đại tá Tống Chư, nguyên Chỉ huy trưởng CANDVT Lào Cai cho biết.
Sau khi đã luồn sâu, bao vây các vị trí, địch cho pháo binh từ bên kia biên giới và các loại hỏa lực bắn phá các trận địa của ta. Tuy bị nhiều tổn thất, nhưng CB, CS ở các chốt cũng như ở Đồn CANDVT Nậm Mít đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, quyết tâm giữ vững trận địa. Dưới sự chỉ huy của Đồn phó Nguyễn Hồng Ngân và Đồn phó chính trị 2 Lý A Tờ, đơn vị đã tổ chức đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, buộc chúng phải lui ra gọi pháo binh chi viện. Sau khi củng cố lực lượng và được sự hỗ trợ của các loại hỏa lực, chúng tiếp tục tổ chức nhiều đợt tấn công vào đồn. Năm nay đã 98 tuổi, nhưng Đại tá Tống Chư vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.
Ông xúc động khi nhớ lại trận chiến đấu anh dũng của CB, CS Đồn CANDVT Nậm Mít: “Từ sở chỉ huy, qua tín hiệu phập phù của mạng lưới thông tin, mã dịch, chúng tôi nhận định Đồn Nậm Mít đã bị địch bao vây và đang rất cần sự chi viện. Nhưng lúc đó, việc đi lại rất khó khăn, phương tiện không có”… Mặc dù chiến đấu rất dūng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhưng trong bối cảnh phòng ngự cực kỳ ác liệt, lực lượng và vũ khí của địch nhiều gấp hàng chục lần, đến chiều ngày 17/2/1979, đơn vị đã quyết định mở “đường máu”, phá vòng vây của địch.
Trả lại tên cho anh…
Do mới thành lập, cơ sở vật chất, vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn, quân số ít, lại bị địch tập kích bất ngờ, nên Đồn CANDVT Nậm Mít không tránh khỏi những tốn thất. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 19/2/1979, Đồn CANDVT Nậm Mít có 23 đồng chí hy sinh, trong đó có Trung úy Lý A Tờ, Đồn phó chính trị 2. “Lúc đó có một đơn vị mỏ địa chất ở chung trong đồn nên khi chiến sự xảy ra, các anh công nhân mỏ cũng đã cầm súng sát cánh, chiến đấu với bộ đội. Có 3 công nhân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ngày 17/2 lịch sử đó” – ông Chử Đức Chương cho biết.
Tại Nhà bia tưởng niệm của Đồn Biên phòng A Mú Sung, trong số 31 liệt sĩ, có tới 23 CB, CS hy sinh đúng ngày 19/2/1979. Đứng đầu là Trung úy Lý A Tờ (sinh năm 1945, quê ở xã San Lùng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); ở dòng thứ 23 là Binh nhất Chu Văn Việt (sinh năm 1960, quê ở xã Vân Phú, huyện Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Anh Chu Văn Việt nhập ngũ tháng 5/1978 và anh dũng hy sinh khi mới 19 tuổi… Theo Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung, danh sách lúc đầu, đơn vị có 24 liệt sĩ, nhưng mãi sau này mới phát hiện ra một người còn sống.
Đó là trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1958, quê ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông Hùng nhập ngũ tháng 5/1978. Trong trận chiến đấu ác liệt tại Đồn CANDVT Nậm Mít, ông bị thương và bị địch bắt. Mãi đến năm 1982, ông Hùng mới được trả qua đường Lạng Sơn rồi về quê sinh sống. “Lúc được trả về, ông Hùng bị suy giảm trí nhớ trầm trọng, không biết để trở lại hay báo cho đơn vị biết nên mọi người đinh ninh là ông đã hy sinh. Trong 24 ngôi mộ do đơn vị lập, vẫn có một ngôi mộ ghi danh tính của ông” – Trung tá Nguyễn Văn Thắng nói.
Là người cùng quê, cùng nhập ngũ và cùng chung đơn vị với ông Hùng, ông Chử Đức Chương kể: “Gia đình đã lập bàn thờ, đã nhận bằng Tổ quốc ghi công và cúng giỗ hàng năm. Cho nên năm 1982, khi ông Hùng tìm về quê, ai cũng bất ngờ. Năm 2016, khi trở lại thăm đơn vị cũ, tôi mới phát hiện ra có một ngôi mộ mang tên Nguyễn Văn Hùng. Sau khi nghe phản ánh, anh em mới biết ông Hùng còn sống và bỏ ngôi mộ đó đi… Năm nay 66 tuổi, đầu óc không còn minh mẫn vì bị dư chứng của chiến tranh, bị tra tấn, đánh đập khi bị địch bắt, nhưng khi nhắc lại trận chiến ngày 17/2/1979, ông Nguyễn Văn Hùng vẫn không giấu được sự xúc động: Đồng đội hy sinh gần hết, tôi còn sống, còn trở về là may mắn lắm rồi”.
Người chiến sĩ kiên trung là vậy. Khi chiến đấu, họ sẵn sàng khi sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ biên cương bờ cõi. Hòa bình lập lại, lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ thương về đồng đội, về những người đã mãi mãi ra đi…