Điểm trường nhỏ, vườn rau cũng nhỏ. Mùa nào thức nấy, rau xanh luôn tốt tươi dưới bàn tay chăm sóc của các cô giáo điểm trường Ngải Trồ. Nhờ vậy mà bữa trưa của học sinh đỡ đạm bạc hơn.
Em Phan Thiên An, học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học A Mú Sung, huyện Bát Xát chia sẻ: “Buổi sáng bố đưa em đi học, mẹ nắm cơm từ nhà cho em mang đi. Đến lớp em được cô giáo cho thêm thức ăn. Em rất thích đến trường”.
Vườn rau nhỏ được các cô giáo chăm bẵm tốt tươi, góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Theo chế độ quy định, học sinh mầm non chỉ được hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/tháng. Trồng rau xanh là giải pháp hiệu quả nhất để bữa ăn của các em được đảm bảo đủ chất, ngon miệng.
Cô giáo Vi Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Chải, thị xã Sa Pa cho biết: “Phụ huynh thống nhất đóng góp 3 kg gạo mỗi tháng, đồng thời cũng phối hợp với nhà trường trồng thêm rau xanh. Như vậy cũng đã tương đối đảm bảo bữa ăn trưa cho các em”.
Các mô hình nông trại trong trường học không chỉ giúp cải thiện bữa ăn mà còn giúp các em học sinh được trải nghiệm thực tế, trau dồi kỹ năng sống.
Ở quy mô lớn hơn, những mô hình trường học nông trại được triển khai từ năm học 2014 – 2015, đến nay, đã được nhiều trường học địa bàn vùng khó nhân rộng, linh hoạt trong cách thực hiện. Như tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Xé, huyện Văn Bàn, không chỉ trồng một vườn rau bán trú, khuôn viên trường học còn tạo ấn tượng với những ao cá nhỏ xinh, 200 gốc chuối đang cho thu hoạch cùng hàng trăm gốc măng sặt, nuôi gà thả vườn… Mô hình quy củ này có sự chung tay của tất cả các thầy cô giáo.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Xé, huyện Văn Bàn cho biết thêm: “Nhà trường không nuôi trồng để làm hàng hóa mà để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho các em học sinh”.
Cùng với những trường học du lịch, trường học đa văn hóa, thì những mô hình nông trại trong trường học đã trở thành “thương hiệu”, là điểm nhấn nổi bật của giáo dục vùng cao Lào Cai. Mỗi vườn rau mướt xanh, mỗi khu chăn nuôi gọn gàng đều có thể trở thành một lớp học thực tế lý tưởng cho trẻ vùng cao. Nỗi lo mất an toàn cũng vơi bớt phần nào nhờ những thực phẩm “cây nhà, lá vườn” như thế.
Thu Hường – Nông Quý