Ba ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) – kỳ thi cuối cùng của học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Với mục tiêu “2 trong 1”, kết quả kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được sử dụng để tuyển sinh đại học, việc tuân thủ quy chế và những quy định liên quan là điều cần lưu ý.
Chuẩn bị đủ giấy tờ tùy thân
Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14h ngày 26/6, các thí sinh trên cả nước có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Để sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi, đây là bước chuẩn bị rất quan trọng, giúp thí sinh yên tâm, chủ động về mọi mặt. Vì thế, cần có mặt đúng giờ và thực hiện tất cả các nội dung theo hướng dẫn của cán bộ coi thi.
Theo kinh nghiệm của phụ huynh có con dự thi các năm trước, buổi đến làm thủ tục dự thi cũng là buổi “tiền trạm”, giúp các gia đình tính toán quãng đường di chuyển từ nhà đến điểm thi cho phù hợp, lường trước các tình huống phát sinh (giao thông, mưa lớn…) để tránh đến sát giờ thi, thậm chí bị chậm muộn.
Với tính chất quan trọng của kỳ thi, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống gian lận. Vì vậy, việc mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân là việc cần chuẩn bị ngay từ thời điểm này. Việc này vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của bản thân, vừa góp phần tổ chức kỳ thi công bằng, thực chất.
Khi đến điểm thi, thí sinh sẽ được nhận thẻ dự thi. Thí sinh cần rà soát toàn bộ thông tin trên thẻ dự thi của mình, trong đó chú ý thông tin cá nhân và phần đăng ký môn thi, bài thi. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh phải báo ngay với giáo viên để được điều chỉnh kịp thời, tránh việc đến ngày thi chính thức mới phát hiện ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
Về việc thí sinh có thể dùng ứng dụng VNeID thay căn cước công dân trong quá trình làm thủ tục dự thi hay không, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định, thí sinh không được phép sử dụng căn cước công dân trên ứng dụng VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Điều này cũng đã được nêu rõ trong quy chế và hướng dẫn thi, cụ thể: Thí sinh phải xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đã sử dụng để đăng ký dự thi khi làm thủ tục dự thi. Thí sinh cần lưu ý, ứng dụng VNeID được cài đặt trên điện thoại, trong khi đó, điện thoại là một trong các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi nên không thể dùng ứng dụng điện tử này để xác thực trong quá trình làm thủ tục dự thi.
Tại Hà Nội, nội dung này đã được Ban chỉ đạo thi thành phố quán triệt cụ thể đến từng điểm thi. Theo đó, trong trường hợp thí sinh quên hoặc làm mất giấy tờ tùy thân, các điểm thi hướng dẫn thí sinh viết giấy cam kết và thực hiện xác minh theo quy định, đồng thời tạo điều kiện để thí sinh được dự thi.
Rà soát kỹ đề thi ngay khi nhận
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm đủ 4 bài thi, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi tổ hợp (tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp khoa học xã hội). Như vậy, mỗi thí sinh có 4 buổi thi. Việc giữ gìn sức khỏe, tâm thế và đến đúng giờ thi là điều thí sinh cần ghi nhớ. Theo quy định, mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Lịch thi cụ thể dưới đây:
Khi vào thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định trong phòng thi. Các năm trước, thí sinh được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, nhưng năm nay vật dụng này thuộc danh mục cấm. Đây là điểm mới trong quy chế thi năm nay mà thí sinh cần nhớ để tránh phạm quy.
Nếu thí sinh mang vào phòng thi một trong các vật dụng cấm sẽ bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy toàn bộ kết quả bài thi, môn thi của kỳ thi năm đó, điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, không còn cơ hội tham gia xét tuyển đại học.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlát địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2026 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Việc kiểm tra đề thi ngay khi nhận từ cán bộ coi thi là trách nhiệm, cũng là việc quan trọng mà thí sinh đừng chủ quan, lơ là để bảo đảm quyền lợi của mình. Thực tế, từ việc một số đề thi toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của Hà Nội bị in mờ khiến thí sinh hiểu nhầm, làm nhầm là bài học cho mọi thí sinh trong các kỳ thi.
Để hạn chế các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến kết quả thi, ngay khi nhận đề thi, thí sinh cần khẩn trương kiểm tra kỹ toàn bộ nội dung đề thi. Nếu phát hiện có bất thường (như đề thi bị thiếu trang, bị rách, mờ, nhòe… hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp không cùng một mã đề thi), thí sinh báo cáo ngay với cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Nếu quá 5 phút tính từ lúc làm bài thi, thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề thi đã nhận.