Nữ Trung tá công an làm theo lời Bác
Chiều 4/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ tuyên dương, trao giải thưởng “Phụ nữ công an tiêu biểu” và biểu dương “Nữ công an cơ sở xuất sắc” năm 2023. Tỉnh Lào Cai vinh dự có Trung tá Ngô Minh Loan, Phó Trưởng Công an phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) là 1 trong 63 nữ chiến sĩ công an toàn quốc được tuyên dương “Nữ công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.
Đến nay, Trung tá Ngô Minh Loan có 20 năm công tác trong ngành công an với các vị trí công tác: cán bộ Đội Cảnh sát trật tự, Đội Cảnh sát cơ động, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ; từ năm 2020 đến nay là Phó Trưởng Công an phường Cốc Lếu (Công an thành phố Lào Cai).
Với vai trò là Phó Trưởng Công an phường Cốc Lếu, Trung tá Ngô Minh Loan đã có nhiều đóng góp trong việc tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hướng về cơ sở; tập trung xây dựng nhiều mô hình, phần việc phục vụ công tác chuyên môn.
Trong các mô hình mà Trung tá Ngô Minh Loan tâm huyết xây dựng, nổi bật có mô hình tập thể Công an phường Cốc Lếu “khéo tổ chức triển khai nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính phục vụ Nhân dân và các yêu cầu công tác nghiệp vụ của ngành, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an phường Cốc Lếu tận tụy, sáng tạo trong công tác, trong lòng dân”.
Trong 2 năm qua, Trung tá Ngô Minh Loan chủ động tham mưu xây dựng thành công 2 mô hình mới trên địa bàn phường về “Dịch vụ công trực tuyến” và mô hình “4 trong 1” theo Đề án 06 của Chính phủ “Thông báo lưu trú trên ứng dụng VNeID, qua phần mềm ASM, thanh toán không dùng tiền mặt và khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai”.
Với sự nỗ lực cống hiến trong công tác, từ năm 2014 đến năm 2023, Trung tá Ngô Minh Loan có 6 năm đạt đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm xếp loại cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Công an và của tỉnh. Năm 2023, Trung tá Ngô Minh Loan được công nhận Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, được thăng cấp bậc hàm sĩ quan trước thời hạn 1 năm.
Chánh văn phòng nhiệt huyết
Với chức trách Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Mường Khương, những năm qua, đồng chí Giang Trung Dũng được đánh giá là cán bộ tiêu biểu, có nhiều thành tích thi đua trên các mặt công tác.
Nhiệm vụ của đồng chí Giang Trung Dũng là trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ; công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan Văn phòng HĐND – UBND huyện; phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Đồng chí Dũng còn phụ trách việc phát hành, tiếp nhận văn bản, tài liệu, thông tin hằng ngày; xây dựng chương trình công tác tuần, tháng, quý, năm của Thường trực HĐND – UBND huyện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tham mưu, giúp việc cho HĐND – UBND, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện giải quyết công việc hằng ngày…
Thành tích của Văn phòng HĐND – UBND huyện Mường Khương, trong đó có cá nhân người đứng đầu là đồng chí Giang Trung Dũng thời gian qua thể hiện rõ trong việc tham mưu cho cấp trên triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Mường Khương. Về thi đua, khen thưởng, đồng chí Giang Trung Dũng cho biết bản thân nhận thức rõ đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là động lực để mỗi cán bộ, viên chức, người lao động và Nhân dân nỗ lực phấn đấu nên có sự quan tâm đặc biệt với công tác này. Các nội dung thi đua còn được triển khai nghiêm tại cơ quan Văn phòng HĐND – UBND huyện Mường Khương, phát động các phong trào thi đua đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đăng ký các tiêu chí, nội dung và danh hiệu thi đua trong năm.
Các phong trào thi đua cụ thể được UBND huyện, Văn phòng HĐND – UBND huyện Mường Khương phát động thời gian qua có thể kể tới là “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”… đặc biệt là phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2014 đến nay, đồng chí Giang Trung Dũng có nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận các phần thưởng thi đua quý giá.
Người có nhiều trăn trở với Tả Phìn
Tôi gặp đồng chí Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) khi người đứng đầu cấp ủy đảng, HĐND xã vừa có chuyến thị sát ở thôn vùng cao về việc vận động xóa hủ tục trong việc hiếu, hỉ.
Trước khi giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn vào năm 2020, đồng chí Đỗ Minh Trí công tác tại Văn phòng UBND thị xã rồi Văn phòng Thị ủy. Nhận nhiệm vụ mới ở xã có nhiều đặc thù, Bí thư Đảng ủy xã tập trung xây dựng chương trình công tác cá nhân hằng năm và cả nhiệm kỳ, trong đó nỗ lực phát huy tốt vai trò lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của Đảng ủy, HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã, xây dựng Đảng bộ, chính quyền xã vững mạnh.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng đời sống một số người dân xã Tả Phìn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức rõ điều đó, đồng chí Đỗ Minh Trí cùng tập thể Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó coi trọng khai thác các thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn xã hình thành nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay, như sản xuất 149 ha rau, cà chua trái vụ; 76 ha hoa cắt cành, hoa địa lan, cây cảnh; 36 ha cây dược liệu chuyên canh. Tính riêng năm 2023, thu nhập bình quân của người dân xã Tả Phìn đạt 45,52 triệu đồng/người/năm, tăng 36,5 triệu đồng/người so với năm 2014; giá trị canh tác đạt 140 triệu đồng/ha, hệ số sử dụng đất đạt 1,56 lần/năm. Đến đầu năm 2024, số hộ nghèo của xã giảm còn 40/702 hộ; số hộ cận nghèo giảm còn 45/702 hộ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã Tả Phìn cũng có bước phát triển. Các trường học và Trạm Y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Xã duy trì vững chắc 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Về mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo của xã thấp hơn nhiều so với các xã của thị xã Sa Pa nhưng Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Minh Trí vẫn đau đáu những trăn trở về sự đổi thay, phát triển ở nơi này. Đồng chí tâm sự: “Tả Phìn có nhiều lợi thế phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp. Cả hai lĩnh vực này đều đã có khởi sắc nhưng mong muốn của tôi là địa phương phải phát triển ở mức độ cao hơn thế mới xứng tầm”.
“Trái tim” của phong trào xây dựng nông thôn mới
Thôn Chính Tiến, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) có 160 hộ, 613 nhân khẩu, 100% hộ sản xuất nông nghiệp. Địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác nhưng Chính Tiến là thôn điển hình của tinh thần đoàn kết, nhất là trong hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở Bảo Thắng. Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh chính là “trái tim” kết nối, lan tỏa phong trào ấy.
Nhìn nông thôn Chính Tiến đổi mới hôm nay với đường giao thông rộng mở, cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp, ít ai biết rằng triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới ở đây từng gặp không ít khó khăn do tiềm lực kinh tế của các hộ hạn chế. Với vai trò là đảng viên, Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh đã tích cực đóng góp và tuyên truyền, vận động người dân ai có tiền góp tiền, ai khó khăn thì góp sức xây dựng nông thôn mới. Riêng gia đình ông tiên phong hiến 1.000 m2 đất vườn, đồi đang trồng cây ăn quả để mở rộng đường trục thôn. Từ đó, nhiều hộ trong thôn đã noi theo.
Từ năm 2020 đến năm 2023, người dân thôn Chính Tiến đã hiến hơn 4,4 ha đất (trong đó không ít hộ hiến 2.000 m2 đất), đóng góp hơn 1 tỷ đồng để mở mới và mở rộng 7,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó mở mới 3,4 km đường rộng 3 m và 4,1 km đường rộng 4 – 7 m.
Ông Đỗ Công Đĩnh còn là tấm gương về lao động, sản xuất với mô hình kinh tế hộ, gồm 3 ha rừng quế, 0,7 ha cây ăn quả và trang trại chăn nuôi gà duy trì hơn 2.000 con/lứa, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Từ mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, ông Đĩnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác. Chính Tiến hiện không chỉ là điển hình xây dựng nông thôn mới mà còn tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp với 12 hộ chăn nuôi quy mô trang trại, 80 hộ chăn nuôi quy mô gia trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh cho biết: Để có được sự đoàn kết, ủng hộ trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào và địa phương kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân điển hình, tiên tiến. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, minh bạch trong suốt quá trình triển khai, để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Bí thư chi bộ nêu gương phát triển kinh tế
Hồng Ngài là thôn biên giới xa nhất của xã Y Tý (huyện Bát Xát), các hộ ở đây đều là người dân tộc Mông. Trước đây, như nhiều hộ khác trong thôn, gia đình anh Vàng A Sáo, Bí thư Chi bộ thôn chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nương, chăn nuôi nhỏ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Là đảng viên trẻ, thấy nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, anh trăn trở, suy nghĩ tìm cách giúp gia đình, giúp người dân trong thôn thoát nghèo. Từ chủ trương của huyện Bát Xát, năm 2021, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở địa phương khác và nhận thấy khí hậu, nguồn nước của thôn phù hợp, anh Sáo và gia đình đã vay vốn đầu tư nuôi 5 con ngựa.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, đàn ngựa hay bị ốm, sinh trưởng chậm. Sau đó, anh Sáo tích cực học hỏi qua sách vở, internet, đồng thời nhờ cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn thêm. Với sự chăm chỉ, kiên trì, đến nay gia đình anh đã mở rộng mô hình, phát triển đàn ngựa lên 15 con, tạo thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc chăn nuôi ngựa, nhận thấy nhu cầu của thị trường và điều kiện thổ nhưỡng địa phương phù hợp trồng cây hoàng sin cô, anh cũng mạnh dạn trồng, cho thu nhập khá.
Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế gia đình của Bí thư Chi bộ Vàng A Sáo hiệu quả, nhiều người dân trong thôn Hồng Ngài đã đến học tập. Nhằm hỗ trợ bà con kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, anh đã cùng một số hộ trong thôn thành lập nhóm hộ cùng sở thích nuôi ngựa. Đến nay, nhóm hộ đã có 47 con ngựa. Năm 2023, anh Sáo vận động bà con trồng 15 ha cây hoàng sin cô, giá trị thu được hơn 550 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế hộ tại thôn từng bước được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân người dân đạt 26,81 triệu đồng, tăng 2,31 triệu đồng so với năm 2019.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh Sáo còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Gia đình anh cũng cùng các hộ trong thôn đoàn kết, giúp đỡ ngày công vận chuyển vật liệu xây dựng để hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở, thu hoạch nông sản…
Chảo Thị Yến với ước mơ nâng tầm nông sản quê hương
Chảo Thị Yến sinh ra trong gia đình nghèo, đông con ở xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát). Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mọi bề nên gia đình cho Yến nghỉ học giữa chừng. Không được đi học nhưng Yến vẫn mượn sách của bạn để đọc hằng ngày, lúc rảnh thì đến điểm trường gần nhà nghe thầy cô giáo giảng bài. Sau 3 năm tạm dừng việc học, Yến trở lại trường, tiếp tục giấc mơ học tập sau nhiều nỗ lực động viên, thuyết phục gia đình của thầy cô giáo và trưởng bản.
Tinh thần ham học cùng quyết tâm đã giúp chị Yến gặt hái “quả ngọt” khi là người đầu tiên ở xã Nậm Chạc thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp với thành tích xuất sắc. Có bằng đại học, chị Yến tiếp tục nộp hồ sơ và nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Liên minh châu Âu – Erasmus Mundus, du học tại Đại học Gottingen (Đức) và Đại học Padova (Italia) trong 2 năm với trị giá khóa học gần 1,2 tỷ đồng.
Năm 2018, sau khi hoàn thành chương trình du học, cô gái người Dao trở về nước, trải qua nhiều công việc tốt với mức thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, hình ảnh quê hương với những người nông dân chân chất, hiền lành nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn vẫn luôn đau đáu trong lòng. Năm 2022, chị Yến may mắn được tham gia Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nông dân trẻ tuổi tiêu biểu càng thôi thúc chị Yến trở về nơi mình đã sinh ra, lớn lên để lập nghiệp, cùng bà con xây dựng cuộc sống mới từ việc nâng tầm giá trị những nông sản, sản vật của địa phương, của dân tộc mình.
Tháng 7/2023, chị Yến trở thành Giám đốc Hợp tác xã Tri thức – Bản địa Goong, đơn vị kinh tế hợp tác gồm 9 hộ trong bản, tập trung phát triển những bài thuốc nam, dược liệu, nông sản của người Dao. Tận dụng ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, chị đã xây dựng nội dung, quảng bá các sản phẩm trên Facebook, TikTok cá nhân. Sau nhiều nỗ lực, các trang mạng xã hội của chị Yến đã thu hút lượng lớn người xem, quảng bá thành công nhiều nông sản địa phương như: Lá tắm của người Dao, miến dong, củ sâm đất, mật ong, thịt lợn sấy. Các sản phẩm mà hợp tác xã cung cấp cũng nhận được sự ủng hộ, tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng của khách hàng.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Anh Tráng Seo Khúa ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) được nhiều người biết đến là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình trồng lê VH6.
Chào đón chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn và giọng nói truyền cảm, ấm áp, anh cho biết: Nhờ có cây lê VH6 mà mấy năm nay, gia đình có nguồn thu nhập tốt.
Hiện nay, gia đình anh Khúa trồng 2.300 cây lê VH6 và 1.000 cây lê Hàn Quốc (XT77), trong đó hơn 405 cây đã cho thu hoạch. Đây là cây chủ lực của gia đình, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Cây lê VH6 ít bị sâu bệnh, sống khỏe và dễ chăm sóc.
Ngắm thành quả là vườn lê VH6 trước mắt, anh Khúa không quên những ngày ngày đầu đưa cây trồng này về đất Hoàng Hạ. Khoảng 11 năm trước, trong một chuyến trải nghiệm, tham quan vườn lê tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà, anh Khúa nhận thấy lê VH6 cho chất lượng quả ngon và năng suất cao, thích hợp với khí hậu ở địa phương. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, anh đã trồng 500 cây lê VH6. Sau 5 năm, vườn lê đã cho thu hái quả. Năm đầu thu hoạch, sản lượng quả không cao, quả to, quả bé không đều. Vì vậy, anh quyết tâm tìm hiểu kỹ về quy trình chăm sóc, phát hiện những sai sót và tìm cách khắc phục.
Anh Khúa kể: Thất bại ở đâu thì làm lại ở đó, tôi đến Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà học hỏi thêm kinh nghiệm. Vườn lê được gia đình cắt tỉa, uốn, vin cành, tạo tán theo đúng kỹ thuật, đến khi ra quả thì tỉa thưa, bọc quả để bảo vệ trước sự tấn công của nhiều loại côn trùng. Trời không phụ lòng người, lứa quả sau cho vị đậm đà, mẫu mã đẹp, thu hàng chục triệu đồng.
Ngoài Lê VH6, anh Khúa còn trồng mận Tả Van, dưa chuột, dược liệu cát cánh, hoa dưới gốc lê và chăn nuôi gà địa phương, cá chép ruộng, lợn đen bản địa… Hơn 3 năm gần đây, mỗi mùa lê nở hoa thường có nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh. Nắm bắt cơ hội này, anh Khúa đã mở đường bê tông, làm chòi cho khách du lịch nghỉ chân ngắm cảnh, chuẩn bị trang phục truyền thống của dân tộc và địu tre cho khách thuê theo yêu cầu…