Tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Mức tăng trưởng này dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
“Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới“, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV/2023 và năm 2023 sáng 29/12.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%.
Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt trên 10,2 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Vốn FDI cao nhất 5 năm
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm nay tăng mạnh so với năm 2022.
Vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.
Năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD.
Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Nhiều lĩnh vực tăng mạnh
Năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020 – 2021.
Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Du lịch vượt mục tiêu
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 352,1 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 nhưng chỉ bằng 70% năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm 2022.
Vừa qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đề xuất với Bộ VH-TT&DL về mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19 (năm 2019).
Hơn 159 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Cụ thể, theo Tổng Cục Thống kê, năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.521,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052,6 nghìn lao động, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022.
Như vậy, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%.
Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.