Thông qua công tác hòa giải trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.
Xã Sơn Hà hiện có 10 tổ hòa giải, với 47 hòa giải viên. Năm 2023, do có sự thay đổi nhân sự ở cơ sở, UBND xã đã ban hành các quyết định củng cố, kiện toàn 4 tổ hòa giải ở các thôn Trà Chẩu, An Trà, Tả Hà 1, Làng Chưng.
Theo đánh giá của địa phương, hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở được duy trì thường xuyên, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, hàn gắn các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Những năm gần đây, đất đai trở thành vấn đề “nóng” ở Sơn Hà, do vậy, phần lớn các vụ việc hòa giải liên quan đến lĩnh vực này. Chỉ tính riêng năm 2023, các tổ hòa giải tiếp nhận 7 vụ, trong đó có 5 vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai, 2 vụ trong lĩnh vực dân sự.
Thời gian qua, các tổ hòa giải trên địa bàn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương. Điều này được thể hiện ở việc 7/7 vụ hòa giải thành. Sự linh hoạt, khéo léo và chủ động, tích cực của các tổ hòa giải đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, đưa xã Sơn Hà “về đích” nông thôn mới nâng cao.
Tại xã Sơn Hải, các tổ hòa giải ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống. Đơn cử tại thôn Soi Chát, cách tết Nguyên đán 2024 ít ngày, khi các gia đình hối hả chuẩn bị đón tết ấm áp, đoàn viên thì các thành viên của Tổ hòa giải thôn lại dành thời gian hàn gắn mối thân tình của 2 hộ liền kề.
Trước đó, đường ống nước thải của gia đình bà Ngô Kim Mỹ bị vỡ, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, trong đó có gia đình bà Nông Thị Hoàn. Sau khi được tổ hòa giải đến giải thích, tuyên truyền, vận động, các hộ dừng tranh cãi và đi đến thống nhất, gia đình bà Ngô Kim Mỹ phải sửa lại đường ống dẫn nước thải. Chiều 28 Tết, thành viên tổ hòa giải đến kiểm tra và thấy gia đình bà Mỹ đã sửa, lắp đặt lại đường ống như đã cam kết; các gia đình đều vui vẻ và bỏ qua cho nhau về vụ việc gây tranh cãi suốt thời gian qua…
Những câu chuyện, vụ việc ở các địa phương phần nào phản ánh rõ về chất lượng đội ngũ hòa giải viên và công tác hòa giải trên địa bàn huyện Bảo Thắng.
Xác định rõ vai trò của công tác hòa giải, huyện Bảo Thắng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn đảm bảo về số lượng, chất lượng; thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở và bổ sung kiến thức pháp luật nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải.
Ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng thôn, thành viên Tổ hòa giải thôn Soi Chát, xã Sơn Hải đã tham gia công tác hòa giải hàng chục năm qua. Ông cũng là cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, giai đoạn 2019 – 2022” trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khi trong cơn nóng giận, bà con có lời lẽ không hay với thành viên tổ hòa giải. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm tham gia công tác xã hội, cùng với việc được tham gia tập huấn, nên các thành viên sẽ linh hoạt, khéo léo để giải quyết các vụ việc theo hướng “chuyện to hóa nhỏ”, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Soi Chát cho rằng, nếu không nhiệt tình, trách nhiệm vì công việc chung thì khó có thể làm tròn vai trò hòa giải viên.
Bà Minh ví dụ về vụ việc tranh chấp liên quan đến đất sản xuất của 2 hộ cách đây vài năm. Giữa trưa hè nắng gắt, tổ hòa giải nhận thông tin 2 hộ xảy ra tranh cãi ở khu vực đồi sản xuất. Bỏ lại bữa cơm trưa, bà Minh cùng 1 thành viên trong tổ hòa giải là anh Nguyễn Xuân Tùng vội vàng đến khu vực tranh chấp. Tới nơi, 2 hộ đang lời qua tiếng lại, trên tay mỗi người đều có những vật dụng “nóng”.
Bỏ qua sự mệt mỏi, sợ hãi, bà Minh tiếp cận và lắng nghe câu chuyện của đôi bên. Để có sự khách quan, bà thông tin cho chính quyền địa phương cử cán bộ địa chính xuống làm việc. Sau khi phân định rõ về ranh giới đất sản xuất, cây trên đất sản xuất của các hộ, 2 bên đi đến thống nhất, hộ đã chặt cây trên đất sản xuất của hộ còn lại sẽ phải đền bù thiệt hại…
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bảo Thắng đánh giá: Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao; vị trí, vai trò của tổ hòa giải ngày càng được khẳng định.
Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 188 tổ hòa giải, với 866 hòa giải viên. Năm 2023, các tổ hòa giải tiếp nhận 149 vụ, hòa giải thành 145 vụ (đạt 97,3%).
Thông qua công tác hòa giải góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương nói riêng, huyện Bảo Thắng nói chung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.