Tại cổng Trường THCS xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) có 2 quán tạp hóa bán bánh, kẹo, nước uống và đồ ăn cho học sinh. Theo quan sát của phóng viên, 2 quán hàng này bày bán đồ ăn vặt nhưng nhiều mặt hàng trên bao gói sản phẩm không có thông tin bằng tiếng Việt về ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất… Khi phóng viên hỏi về những thông tin ghi trên bao bì sản phẩm, các em học sinh đều lắc đầu, bởi toàn bộ thông tin được ghi bằng chữ Trung Quốc.
Các sản phẩm trên khi học sinh ăn thử thì mới biết đâu là kẹo, đâu là bánh. Ví như những thanh nhỏ bọc giấy bên ngoài có hình các loại quả trông rất bắt mắt nhưng thông tin in kèm hoàn toàn là chữ Trung Quốc, nếu chỉ nhìn thì không ai hiểu đó là sản phẩm gì, chỉ khi ăn thử mới cho biết đó là kẹo cao su. Không chỉ vậy, những sản phẩm khác như xúc xích, chân gà đóng gói với nhãn hiệu chữ Trung Quốc cũng được bán nhiều tại các quán hàng này.
Em Đỗ V.C., một học sinh cho biết: Em thấy các bạn ăn nên cũng mua để thử. Giá mỗi loại sản phẩm từ 1 – 5 nghìn đồng, em mua bằng tiền bố mẹ cho để ăn sáng.
Tại cổng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), theo ghi nhận của phóng viên, có đến 5 quán bán hàng đóng gói và 2 quán bán xúc xích nướng. Các quán bán hàng đóng gói đều bày bán nhiều sản phẩm bánh, kẹo, đồ chơi có nhãn mác là chữ Trung Quốc. Đặc biệt, 2 cửa hàng bán xúc xích đều không thực hiện che đậy thực phẩm để tránh bụi và côn trùng, trong đó có cả xúc xích nhãn hiệu Trung Quốc.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền và tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không cho con, em mua đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường, đồng thời tổ chức các đội cờ đỏ ghi tên các bạn học sinh mua quà ở cổng trường để kịp thời nhắc nhở. Nhà trường mong các cơ quan chức năng vào cuộc sát sao hơn trong việc kiểm tra, quản lý các sản phẩm đồ ăn được bày bán tại cổng trường.
Tương tự, khu vực cổng Trường THCS thị trấn Bát Xát cũng có 2 quán tạp hóa bán các mặt hàng “3 không” (không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ). Tại các điểm bán hàng trên, khi được hỏi thì người bán hàng đều trả lời lực lượng quản lý thị trường đã đến kiểm tra nhưng vì bày bán ít nên không bị xử lý, cũng không bị thu.
Có người bán còn tiết lộ, để qua mặt lực lượng chức năng, họ chỉ bày bán một lượng nhỏ sản phẩm, còn lại thì cất trong nhà để không bị phạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Ngọc, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cho biết: Thời gian qua, thành phố Lào Cai luôn quan tâm kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cổng trường học. Tuy nhiên, các đoàn liên ngành của thành phố chỉ có thể kiểm tra theo kế hoạch 3 lần/năm. Ngoài ra, một số cơ sở bán hàng được phân cấp cho UBND các xã, phường chủ động kiểm tra vào các đợt trong năm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tại các điểm bán hàng ở cổng trường, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện nay, không ít người bán hàng tại các cổng trường đang lợi dụng việc kinh doanh nhỏ lẻ nhằm tránh việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng để tiếp tục bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cơ quan chức năng cần tăng cường vào cuộc, kịp thời ngăn chặn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.