Những con số mơ ước
Giảm 10% số hộ nghèo những năm trước, đây là con số mơ ước, thậm chí là không tưởng trong thực hiện chương trình giảm nghèo ở các địa phương Tây Bắc mỗi năm. Thực tế, con số giảm nghèo ở Tây Bắc đạt được thường chỉ bình quân từ 3 – 4%. Thế nhưng tại huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La, trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ giảm nghèo đạt được mỗi năm đã ở con số hơn 10%. Một số xã như Chiềng Khoong, Mường Hung… con số đạt được còn cao hơn.
Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Trong những năm vừa qua xã Chiềng Khoong đã giảm từ 10 – 14 % hộ nghèo, như năm 2023 là 14 %; kế hoạch thực hiện năm 2024 là 12%”.
Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Đến nay, toàn huyện đã có gần 7.500 ha nhãn, tập trung chủ yếu ở các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong…
Theo ông Cương, có được kết quả này là nhờ cấp uỷ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã quyết liệt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển các loại cây, con có giá trị, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Như xã Chiềng Khoong, tận dụng lợi thế đất vườn rộng lớn, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi diện tích cây ngô, cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đến nay, diện tích cây ăn quả của xã đã gần 1.400 ha; trong đó riêng nhãn hơn 1.100 ha.
Anh Lê Công Hoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản C5, xã Chiềng Khoong cho biết, ý Đảng gặp lòng dân, các hộ trồng nhãn ở C5 không bằng lòng với các giống nhãn cũ; qua đó đã tích cực học hỏi, tìm tòi, lai tạo ra các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao hơn, thu nhập cũng cao hơn; cả bản C5 hiện không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo.
“Thực hiện chủ trương của Nhà nước, của tỉnh thúc đẩy phát triển trồng cây mô hình trên đất dốc, những năm gần đây bà con nhân dân trong bản cũng phát triển rất nhiều các loại cây nhãn chín sớm trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá nhãn chín sớm cao hơn giá nhãn chính vụ nhiều. Vào đầu mùa nhãn chín sớm thì giá bán được 40.000 – 50.000 đồng/kg; có thời điểm còn bán được hơn 50.000 đồng/kg; còn nhãn chính vụ thì chỉ được tầm 18.000 – 20.000 đồng/kg” – anh Hoàn nói.
Tại tỉnh Yên Bái, xác định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi, vì vậy địa phương đã tăng cường nhiều giải pháp để thực hiện chương trình này.
Người dân Sông Mã chăm sóc nhãn chín sớm.
Trong đó, ngoài các hội nghị tập huấn, Yên Bái cũng chú trọng việc tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh trong nước có các mô hình kinh tế hiệu quả, nhằm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, kiến thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế và đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo.
Anh Giàng A Tuấn ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái chia sẻ: “Sau khi mình qua đào tạo thì mình có tay nghề, có công ăn việc làm; làm một ngày có thể kiếm được 400.000 – 500.000 đồng”.
Huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội
Bên cạnh nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái cũng huy động từ nhiều nguồn để có trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Chính vì vậy, số hộ nghèo toàn tỉnh trong năm 2023 đã giảm 3,76%, vượt so với kế hoạch đề ra là 3,5%.
Tại Lào Cai, bên cạnh công tác giảm nghèo nói chung, địa phương này còn có một Nghị quyết chuyên đề mang số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung phát triển 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, bình quân tới trên 70% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực cho các xã này, với trên 800 tỷ đồng, phân bổ cho hơn 200 dự án từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa, lợn đen sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu, trồng chè shan, cây ăn quả…. Nhờ đó, 2 năm qua, các xã này đã giảm được trên 1.300 hộ nghèo, tỷ lệ giảm bình quân đạt trên 10%/năm.
Ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, mục tiêu đến hết năm 2025 phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% đối với 10 xã này là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, mọi sự đầu tư, hỗ trợ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ phải có sự tham gia thật sự trách nhiệm của nhân dân là những người làm chủ tại địa phương.
“Chúng ta cần xem xét lại vấn đề nhận thức, tư tưởng, tâm lý, sự quyết tâm và nỗ lực của người dân. Người dân họ có nhận thức được mình có nghèo hay không, chưa chắc họ đã nhận thức được. Thứ hai là họ có mong muốn thoát nghèo không. Không thể bỏ qua được công tác tuyên truyền, vận động, chúng ta thuận lợi vì có hệ thống tuyên vận đến tận thôn, bản” – ông Hoàng Giang nói.
Cánh đồng Mường Thanh ở lòng chảo Điện Biên rộng lớn nhất vùng Tây Bắc.
70 năm sau giải phóng, Điện Biên hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt khá cao so bình quân chung cả nước, thuộc tốp đầu của 14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên du lịch của tỉnh cán mốc 1 triệu lượt khách. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 26%.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Có được kết quả này là nhờ địa phương đã phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhất là giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, năng động đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo tinh thần chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”.
Việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững tại các địa phương Tây Bắc đã đạt kết quả tích cực từ việc cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng chương trình hành động sát hợp với thực tiễn; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và tích cực tìm tòi, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương…
Đặc biệt, Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã, đang được triển khai sẽ như đòn bẩy giúp khu vực này phát triển đột phá.