Nhiều kỳ vọng lãi suất cho vay giảm
Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế- Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số dư huy động vốn đến cuối năm 2023 khoảng 13,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14,4% so với cuối năm 2022 và là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. Thanh khoản trong hệ thống đang khá dồi dào cộng với lãi suất cho vay hiện ở mức thấp, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Trước đó, thông tin tới báo giới, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 – 0,3%, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
Kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vừa được NHNN công bố cũng cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt” và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các TCTD đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022, và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.
Trước thực tế này, các chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất cho vay những tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm nhẹ. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, với mức lãi suất huy động thấp như hiện tại thì dự báo lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm tương ứng.
Đồng quan điểm này, các TCTD cũng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất huy động – cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS mới đây cũng đưa ra quan điểm rằng mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 – 1,5% trong năm 2024.
Ngân hàng chủ động với hạn mức tín dụng được giao
Với việc đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm, NHNN đã giao quyền tự chủ trong việc cung ứng vốn ra thị trường cho các ngân hàng thương mại. Động thái này cũng được dự báo sẽ giúp lãi suất cho vay của các ngân hàng chảy vào nền kinh tế ổn định hơn.
Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ông Lê Hoàng Tùng cho biết, cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2024 là một cái động thái hết sức tích cực. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất là khó khăn và cầu về tín dụng của nền kinh tế vẫn rất thấp thì việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm ngay từ đầu năm cho các cái tổ chức tín dụng đã tạo thuận lợi trong việc điều hành kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mình và phù hợp với nhu cầu khách hàng cho cả năm. “Đây cũng là một tín hiệu rất là tích cực cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”- ông Tùng chia sẻ.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, khác với hằng năm, chúng tôi đã xây dựng chỉ tiêu tín dụng cho và phân bổ cho các cái đơn vị thành viên ngay từ đầu năm để đảm bảo sự chủ động cho các chi nhánh trong việc cung ứng vốn ra thị trường.
Đánh giá về chính sách này, Chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là một bước tiến trong điều hành, tạo thêm thế chủ động cho hệ thống ngân hàng và làm tăng khả năng thích ứng của các TCTD. Thay vì phải chờ phân bổ chỉ tiêu tín dụng nhiều lần, ngân hàng được được chủ động kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong giới hạn được giao. Đồng thời, chính sách này cũng là bước chuyển tiếp từ biện pháp giám sát ngân hàng mang tính hành chính sang biện pháp quản lý linh hoạt hơn, đi kèm với giám sát.
Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV- TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ quan điểm, việc NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng có ý nghĩa tạo cơ chế chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành và giám sát. Cũng là động lực để nguồn vốn năm 2024 được khơi thông tới nền kinh tế
Sức hấp thụ vốn của ngành kinh tế năm 2024 dù đánh giá có khả quan nhưng dự kiến thì vẫn ở mức thấp. Vì thế, Lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này đã xây dựng Chương trình hành động năm 2024 với nhiều mục tiêu. Trong đó, điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng.
Đặc biệt, về lãi suất, Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
“NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng”- Thống đốc khẳng định.