Các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh sẽ thông quan hàng với Trung Quốc tới hết ngày 9/2 (tức 30 Tết) và trở lại hoạt động bình thường vào 18/2 (9 tháng 1 Âm lịch).
Theo thông báo của các địa phương, phía Trung Quốc sẽ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 vào 10 – 14/2, nên một số cửa khẩu sẽ dừng thông quan hàng hóa dịp này. Cụ thể, theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, nên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và Na Hình sẽ thông quan hàng tới hết ngày 9/2 (tức 30 Tết). Riêng cửa khẩu Nà Nưa tạm ngừng sớm hơn, từ ngày 7/2.
Sau đó, cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh mở lại và thông quan các lô hàng của doanh nghiệp đăng ký trước từ ngày 14 đến 17/2. Cửa khẩu Chi Ma sẽ không nghỉ, nhưng trong thời gian 10 – 17/2 chỉ làm thủ tục thông quan cho nhóm hàng đăng ký trước.
Từ 18/2, tất các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn trở lại hoạt động bình thường.
Tương tự, tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái tạm dừng thủ tục thông quan hàng hóa dịp Tết này trong 7 ngày (10 – 17/2). Thời gian này, khách xuất – nhập cảnh vẫn làm thủ tục bình thường. Các hoạt động xuất khẩu hàng khởi động lại vào 18/2.
Riêng tại Lào Cai, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành và Hồ Kiều hoạt động xuyên Tết, từ 7 đến 22 giờ hằng ngày.
Xe thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai, tháng 2/2020.
Thống kê từ các địa phương cho thấy thời điểm đầu năm 2024, lưu lượng khách xuất nhập cảnh và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc tăng cao. Bình quân mỗi ngày có 1.100 – 1.300 phương tiện thông quan qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và một nửa trong số này là hàng xuất khẩu, theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng.
Trong khi tại Lào Cai, mỗi ngày có khoảng 400 xe được làm thủ tục thông quan. Hàng xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi.
Các địa phương cũng chuẩn bị phương án, bố trí nhân lực để không bị động, ùn ứ, ách tắc xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu dịp nghỉ lễ, Tết.
Hôm 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành ngoài đường bộ, cần có giải pháp nâng cao năng lực đường sắt, xây đường chuyên dụng để tăng vận chuyển nông sản sang Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 hơn 171 tỷ USD, chiếm trên 25% trong kim ngạch cả nước. 12 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tỷ dân ghi nhận kim ngạch trên 1 tỷ USD, như nông sản, điện thoại và linh kiện, máy tính – sản phẩm điện tử…