Việc giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội là một bước đột phá trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nêu cao mục tiêu vì con người, để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc…
Đột phá trong chính sách an sinh xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 23/11 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), quan tâm đến vấn đề bảo hiểm trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự án luật này là rất cần thiết.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay có 16,1 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 5,1 triệu người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp, còn lại 11 triệu người cao tuổi không có khoản thu nhập về lương hưu, trợ cấp sau 60 tuổi.
Trước một số ý kiến băn khoăn khi quy định về trợ cấp, hưu trí xã hội liệu có mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi hay không, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu rõ, Luật Người cao tuổi được ban hành năm 2009, lúc đó chúng ta có 7 triệu người cao tuổi, GDP bình quân đầu người là 1.200 USD/người. Đến nay, số người cao tuổi đã tăng hơn gấp đôi, GDP cũng đã tăng cao, do đó không nên chỉ dừng lại ở mức độ 80 tuổi mới được trợ cấp xã hội.
Đại biểu cho biết, nhiều cử tri cao tuổi đề nghị Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi. Đại biểu nhấn mạnh, việc đưa vào dự thảo luật lần này quy định về trợ cấp hưu trí xã hội là một đột phá trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nêu cao mục tiêu vì con người, để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất rằng, đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, là hộ nghèo, khó khăn thì nên hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn 70 tuổi là hợp lý.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng đề cập tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên.
Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, hoàn thiện luật để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng không chỉ khắc phục những bất cập của quy định pháp luật mà còn thể hiện điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ngày càng đi lên của đất nước. Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo luật khi bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội…
Tiến tới giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, các phương án trong dự án luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là bảo hiểm xã hội đa tầng và bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Nói thêm về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ, đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hằng tháng và có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.
“Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại tờ trình về dự án luật này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Dự kiến tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện).
Theo Báo Quân đội nhân dân