Vườn quýt của gia đình anh Vàng Văn Dũng đang vào chính vụ thu hoạch, quả to, đều, mọng nước và tiêu thụ khá tốt trên thị trường.
“Tôi đi làm ở Mường Khương, thấy bên đó trồng quýt để xóa đói giảm nghèo, tôi cũng mang về trồng thử và mở rộng diện tích dần. Mấy năm nay, cây quýt đã mang lại thu nhập, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Tuy vất vả nhưng cây quýt cho năng suất cao hơn so với trồng ngô, đậu tương”, anh Dũng chia sẻ.
Cây quýt đã giúp gia đình anh Dũng xóa đói giảm nghèo.
Từ 100 gốc quýt trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay gia đình anh Dũng đã mở rộng diện tích trồng quýt lên gần 2 ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Để có được thành quả đó, cùng với việc học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, anh Dũng cũng nghiên cứu tận dụng lợi thế địa phương để chăm sóc, giúp cây quýt sinh trưởng tốt, sai hoa và đậu quả nhiều.
Anh Dũng cho biết thêm: “Chăm sóc không để cây bị sâu bệnh thì cây sẽ phát triển đều, ra quả đẹp. Lợi thế của gia đình là quanh khu vực trồng quýt nước tự nhiên nhiều, nên chỉ cần mắc vòi để tưới”.
Ông Vàng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát cũng cho biết: “Anh Dũng đã góp phần mang về một loại cây trồng mới cho địa phương và rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ đề nghị các cấp hỗ trợ về vốn, phân bón, kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng. Hộ đầu tiên trồng được thì nhân rộng ra để phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhiều hộ khác”.
Là người tiên phong mang cây quýt về trồng trên đất Mường Vi, anh Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân để cùng nhau phát triển.
Từ hiệu quả kinh tế cây quýt mang lại cho gia đình, anh Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn có nhiều hộ cùng làm, đưa cây quýt trở thành sản phẩm hàng hóa của Mường Vi, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Vương Mây – Tuấn Linh