Ứng dụng các nền tảng trực tuyến, nhiều người dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giờ đây không chỉ quảng bá và bán các sản phẩm địa phương mà còn khéo léo sử dụng chính vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi mình sống để tạo nên các sản phẩm số độc đáo, tạo sức lan toả mạnh mẽ.
Phát trực tiếp (livestream) trên các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm là hoạt động quen thuộc tại gian bán hàng của HTX thổ cẩm Lâm Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Những tấm chăn, khăn dệt thủ công truyền thống tinh xảo của người Tày, chiếc túi xách, mũ, đồ lưu niệm trang trí thổ cẩm đầy màu sắc của người Dao… đều được giới thiệu trong phiên livestream, để người xem có thể tương tác trực tiếp, trao đổi mua và nhận hàng nhanh chóng.
Chị Nguyễn Thị Yêu, Giám đốc HTX cho biết, 30 thành viên HTX đều là các chị em ở bản làng, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để dệt vải, may sản phẩm nên việc quảng bá bán hàng cũng có nhiều hạn chế. Do đó, các kênh trực tuyến và mạng xã hội sẽ giúp “xoá đi khoảng cách” hàng trăm, hàng nghìn cây số từ miền núi tới miền xuôi để sản phẩm tới tay người yêu thổ cẩm cả nước.
“Thổ cẩm của HTX là sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang, cũng tham gia nhiều hội chợ và bán hàng cho khách du lịch. Tuy nhiên qua mạng xã hội khách có thể xem mọi mẫu mã và mua hàng bất cứ lúc nào. Các sản phẩm HTX làm ra được bán đi nhiều tỉnh thành phố trong cả nước, nhiều người đặt hàng, thu nhập của chị em từ 5-10 triệu đồng/tháng”, chị Yêu cho biết.
Là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình cũng là vùng đất có nhiều cảnh sắc độc đáo bên hồ Na Hang, kề dòng sông Gâm, sở hữu kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn… Những năm gần đây, cùng với du lịch phát triển, Lâm Bình còn được nhiều người gọi vui là “huyện Youtube”, bởi số lượng người làm video trên các nền tảng trực tuyến ngày càng nhiều.
Mỗi xã có hàng chục kênh lớn nhỏ, cá biệt có kênh thu hút cả triệu người theo dõi, nội dung chủ yếu xoay quanh đời sống thường ngày của người dân gắn với thiên nhiên, núi đồi, tạo thành một xu hướng “nhà nhà làm Youtube”. Tuy vậy, không phải ai cũng thành công và thu về lợi nhuận cao. Bên cạnh trào lưu này, vẫn có không ít kênh kiên trì sáng tạo các nội dung “khó thu lợi nhuận” hơn, như giới thiệu các địa điểm du lịch, ghi lại các nét đẹp trong văn hoá, ẩm thực… của quê hương.
Anh Chẩu Hiếu – một người làm video chia sẻ, nhóm các bạn trẻ yêu văn hoá Tày của anh đã thực hiện kênh A Lùa Ba để truyền tải các hình ảnh về cảnh đẹp, phong tục tập quán dân tộc mình một cách chân thực, sống động nhưng cũng giản dị, gần gũi nhất. Mặc dù đều là “dân nghiệp dư” nhưng nhóm luôn chuẩn bị kỳ công từ kịch bản đến chăm chút hình ảnh. Các video về ẩm thực cá suối nướng ống lam, nộm rau dớn, hay các MV âm nhạc đều nhận được hàng vạn lượt xem.
“Các nhóm đều định hướng là lấy giá trị văn hoá làm gốc nên rất phấn khởi khi nhận được những lời động viên, phản hồi tích cực. Các trào lưu độc, lạ không phải xấu, tuy các nhóm không theo “trend” nhưng nếu biết dung hoà sẽ rất tốt, vẫn giữ được bản sắc và tiếp cận được nhiều người. Chúng tôi sẽ phát triển đa dạng hơn, từ thiên nhiên tới văn hoá, như hát then, hát cọi, sản xuất thành MV để đem giá trị văn hoá truyền thống tới người xem”, anh Hiếu bộc bạch.
Các sản phẩm số, hình ảnh, video hấp dẫn đã đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá văn hoá, thu hút du khách ghé thăm Lâm Bình, Tuyên Quang và nhiều vùng đất khác. Tuy vậy, sức lan toả “không giới hạn” của các nội dung số cũng khiến nhiều người băn khoăn. Đã có những hiện tượng “câu like” “câu view” bằng nội dung lệch chuẩn, có thể truyền tải sai lệch bản sắc của các dân tộc anh em. Như vừa qua, mạng xã hội cũng ngập tràn hình ảnh nhiều bạn trẻ mặc trang phục của các dân tộc nước ngoài tại các điểm du lịch vùng cao, gây hiểu nhầm rằng đó là trang phục truyền thống địa phương, hay dàn dựng các video tái diễn các hủ tục không còn trong đời sống…
Nghệ nhân Ưu tú Bích Khê ở Lạng Sơn và ông Dương Văn Dí ở Cao Bằng cho biết, việc livestream khi đang thực hành nghi lễ Then, quảng bá để nhiều người biết đến cũng tốt, tuy nhiên có một số thầy làm Then livestream nói xấu, chê bai thầy nọ thầy kia, đó là điều không nên. “Bây giờ không còn có tình trạng kéo vợ như ngày xưa, nhưng tôi thấy xuất hiện những đoạn clip có cảnh kéo vợ không biết có thật không hay chỉ là dàn dựng”, Nghệ nhân Ưu tú Bích Khê hoài nghi.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Tuyên Quang nhận định, không ít bản làng vùng cao giờ đây đã bắt nhịp cuộc sống số, trở thành các “công dân số” để không lạc hậu với thời đại. Các sản phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn hoá số cho thấy người dân, đặc biệt là những người trẻ đang càng ngày càng có ý thức trách nhiệm hơn về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình.
“Các sản phẩm số không thể làm mất đi bản sắc vốn có lưu truyền từ bao đời nay. Bất cứ thứ gì đưa lên mạng cũng có thể trở thành xu hướng, do vậy cần chọn lọc kỹ càng, có trách nhiệm với nội dung các cá nhân sáng tạo là rất quan trọng, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cần có nhiều giải pháp để giáo dục người trẻ về lòng yêu nước, nét văn hóa truyền thống, hỗ trợ người dân nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ số, khuyến khích gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá qua những nội dung số”, Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức bày tỏ.
Mỗi ngày, những sản phẩm số về văn hoá các dân tộc thiểu số vùng cao xuất hiện không ngừng nghỉ trên các mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. “Bà con bây giờ không chỉ vượt đèo, vượt núi bằng xe, bằng ngựa mà còn bằng sự sáng tạo trên không gian mạng”, “làm sao để mỗi người mở cửa ra là thấy thế giới” là mong muốn của ông Ma Văn Đức cũng như nhiều “người miền núi chất” hôm nay, để những sản phẩm số đó thực sự mang lại các giá trị kinh tế và lưu giữ giá trị văn hoá tốt đẹp, bền vững và lâu dài.