Trong ngày cuối nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lượng xe khách nối đuôi nhau đổ về các Bến xe Hà Nội, tuy nhiên giao thông khu vực cửa ngõ thông thoáng và chưa xảy ra ùn tắc kéo dài.
Trong ngày cuối nghỉ lễ Quốc khánh, trong chiều 3/9, người dân từ các tỉnh, thành lỉnh kỉnh đồ đạc trở về Thủ đô, xe khách nối đuôi nhau đổ về các bến xe Hà Nội…
Giá vé xe “đồng hạng”
Ghi nhận của phóng viên vào lúc 16h tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Đặc biệt, các tuyến đường gần bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.
Phía trong khu vực điểm đỗ xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng đã bố trí tăng tuần xuất hoạt động của các tuyến buýt đi qua các trường đại học hoặc điểm trung chuyển, kết nối các bến xe như tuyến 03 (Bến xe Giáp Bát-Bến xe Gia Lâm), tuyến 32 (Bến xe Giáp Bát-Nhổn), tuyến 16 (Bến xe Nước Ngầm-Bến xe Mỹ Đình) nhằm nhanh chóng giải tỏa hành khách.
Nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa, em Phạm Đức Bình (thành phố Ninh Bình), sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải được bố chở ra Bến xe Ninh Bình để đón xe lên Thủ đô với lo ngại sợ tắc đường.
Xe xuất bến chỉ có 10 hành khách nên chỗ ngồi khá thoải mái. Tuy nhiên, dọc hành trình, phụ xe liên tục đón khách dọc đường từ Ninh Bình đến tỉnh Hà Nam. Vì thế, xe mỗi lúc một đông.
“Lượng người trên xe đã lấp đầy ghế ngồi, phụ xe vội xếp ghế nhựa dọc lối đi để ‘nhồi’ thêm khách. Đi đến thành phố Phủ Lý, tài xế cứ tấp vào lề đường thì lại có khách lên,” Bình chia sẻ.
Theo cậu sinh viên này, giá vé thường ngày từ Ninh Bình lên Hà Nội chỉ 100.000 đồng, nhưng chiều nay nhà xe “hét giá” đồng hạng với các “thượng đế” di chuyển từ huyện Thanh Liêm hay thành phố Phủ Lý đi lên Thủ đô.
“Hành khách có thắc mắc giá vé thì phụ xe bảo xe nào giá cũng tăng và không đi thì xuống. Lo lắng không có xe đi nên đành chấp nhận thực tế giá vé cao, bị nhồi nhét vào mỗi dịp này,” Bình nói.
Các bến xe kiên quyết không cho xuất bến với các xe khách không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, lấy tiền cao hơn giá vé quy định trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới đây.
Tương tự, anh Trần Nam Khánh (xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định) cũng đón xe khách lên Bến xe Giáp Bát ngay trước cửa nhà.
Mỗi lần xe đi qua, anh Khánh đều đưa tay ra hiệu để đón khách, tuy nhiên, tài xế lắc tay và đi thẳng do không thể “lèn” thêm người trên xe.
Chờ đến 3 lượt xe khách chạy qua, anh Khánh mừng rỡ vì xe táp vào lề đường. Cánh cửa xe mở ra, anh giật mình khi khách đã ngồi đông nghịt cả lối đi, khu vực cabin.
“Phụ xe vội vã đẩy tôi lên và nói khách phía trong cố gắng ngồi gọn gàng để có thể thêm chỗ cho khách mới. Dù điều hòa bật hết công suất, trên xe oi nóng do số lượng người đông. Xe 35 chỗ nhưng số lượng người trong xe phải gấp rưỡi. Đã thế, giá vé cũng tăng 120.000 đồng, cao hơn 20.000 đồng so với ngày thường,” anh Khánh thở dài.
Tại Bến xe Mỹ Đình, các tuyến xe từ Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ liên tục nối đuôi nhau chở khách về bến. Dọc đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, lượng phương tiện đông đúc và khi đến các ngã tư đèn đỏ bị ùn ứ cục bộ. Lực lượng chức năng đã ứng trực để phân luồng, điều tiết và hướng dẫn giao thông nhằm “hạ nhiệt” ùn tắc.
Lượng khách trải dàn đều, không ùn tắc
Đại diện Bến xe Mỹ Đình cho hay do mai là ngày làm việc sau ngày nghỉ lễ nên chiều nay rất đông người dân đổ xô về Thủ đô. Lượng khách sẽ phân bổ trải dàn đều trong chiều nay và sáng ngày mai. Có thời điểm đông xe khách về bến sẽ dẫn đến ùn ứ nhưng nhanh chóng được giải tỏa kịp thời.
Tuy vậy, Bến xe Mỹ Đình đã huy động 100% quân số ứng trực để phục vụ hành khách, bố trí nhân viên điều hành tại cửa ra vào bến, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông, Công an phường nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nhận định về lượng khách đổ về Thủ đô chiều nay, theo ông Vương Duy Toàn, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát, khách ngoại tỉnh lên Hà Nội đi rải rác từ chiều qua và hôm nay nên không đổ về dồn dập cùng lúc và không ùn tắc.
Để người dân di chuyển được thuận lợi, Phòng Cảnh sát Giao thông đã yêu cầu ứng trực 100% cán bộ, chiến sỹ, giữ vững địa bàn quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
“Cập nhật đến thời điểm này của đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ chiều ngày 30/8 đến 2/9) lượng khách đến bến xe Giáp Bát khoảng 40.000 người. Trong kỳ nghỉ lễ, bến xe tăng cường hơn 300 lượt xe. Lượng khách đổ về bến so với ngày bình thương tăng 300%. Những ngày nghỉ lễ, Bến xe Giáp Bát đảm bảo quân số trực 100% các vị trí, lực lượng chức năng công an phường, quận Hoàng Mai, Thanh tra giao thông và Đội Cảnh sát giao thông số 14 chốt trực xunh quanh bến đảm bảo an toàn giao thông, kể cả lúc khách về bến đông nhất,” ông Toàn khẳng định.
Khu vực cửa ngõ cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và đường Vành đai 3 trên cao giao thông thông thoáng do lực lượng chức năng đã chốt trực tại trạm thu phí Pháp Vân nhằm điều tiết một lượng lớn xe ôtô con đi vào đường Quốc lộ 1 để lượng phương tiện không đổ dồn về nút giao này như mọi năm.
Để bảo đảm giao thông đón luồng phương tiện từ các tỉnh về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội) ứng trực 100% quân số, chốt trực tại các tuyến giao thông cửa ngõ Thủ đô và sẽ được duy trì cho đến hết cao điểm.
Vietnamplus.vn