“Nốt trầm” của ngành thủy sản Việt Nam
Năm 2022, bất chấp các tác động tiêu cực từ thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đã “về đích” rực rỡ, với kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tới 22,2% so với kế hoạch.
Một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng, như tôm nước lợ đạt 4,1 – 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với năm ngoái. Cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng tới 70% so với năm 2021.
Cũng vì sự tăng trưởng “thần tốc” trong năm 2022, kèm theo đó, các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam có xu hướng giảm đơn hàng, đã khiến ngành thủy sản dè chừng trong năm 2023, khi chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tức là giảm 1 tỷ USD so với năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế lại đang cho thấy, năm 2023 lại là một “nốt trầm” của ngành thủy sản. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái.
VASEP cũng dự báo, hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 15% – 16% so với năm 2022, và thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm mạnh. Đơn cử, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều giảm mạnh, do suy thoái kinh tế, lạm phát lan ra toàn cầu.
Riêng tại Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, quốc gia suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ, tất cả những điều này đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,… cũng tác động mạnh tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đặc biệt, ngành thủy sản đang đối mặt với một thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam, đó là “chiếc thẻ vàng” của Liên minh châu Âu, liên quan tới chương trình chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Trong tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nếu “chiếc thẻ vàng” được tháo gỡ, nó sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng của ngành trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
2 kịch bản của ngành thủy sản trong năm 2023
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Lệ Hằng – Giám đốc Truyền thông của VASEP đánh giá: Dù nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh số so với cùng kỳ nhưng vẫn có những doanh nghiệp đạt được tăng trưởng dương trong năm nay nhờ duy trì lao động, tận dụng công suất, chế biến hàng gia tăng và gia công xuất khẩu… Nửa cuối năm, họ sẽ là một phần động lực phục hồi doanh số cho toàn ngành.
Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, bởi sau mở cửa, giao thương đang dần trở lại bình thường.
“Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới…, nước này sẽ duy trì giá trị nhập khẩu như năm 2022 là 1,8 tỷ USD”, bà Hằng kỳ vọng.
Bà Hằng cũng đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023. Theo đó, kể cả với kịch bản thuận lợi (kỳ vọng lớn nhất là thị trường Trung Quốc) thì tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022.
Còn với kịch bản kém thuận lợi (do khó cạnh tranh về giá và nguồn cung so với các đối thủ khác) thì xuất khẩu thủy sản có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, điều quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, trên cơ sở phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Để từ đó có thể xuất khẩu mạnh trong giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, ông Hòe lưu ý cần phải có các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở làm sao mở rộng được thị trường. Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Bởi đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh trong thời gian tới.
Giải pháp kịp thời từ Chính phủ
Trước những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản trong thời gian vừa qua, VASEP đã có 6 kiến nghị gửi Chính phủ xem xét, như giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; giảm mức đóng kinh phí công đoàn, xem xét gói tín dụng 10.000 tỷ đồng; hoặc kiến nghị đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đầu tư nâng công suất;…
Một trong 6 kiến nghị nêu trên đã được thông qua. Theo đó, từ giữa tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, những đối tượng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được vay tín dụng với mức lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1% – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Nhận định về gói hỗ trợ này, bà Lệ Hằng – Giám đốc Truyền thông của VASEP đánh giá: Trong bối cảnh hiện tại, lãi suất USD tại Mỹ vẫn đang “neo” ở mức cao, dự báo các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ chưa có dấu hiệu dừng, lãi suất vay USD tại Việt Nam vẫn cao.
Đặc biệt, từ cuối quý III/2023 tới nay, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động mạnh đến ngành. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh, lượng tồn kho tăng. Thị trường tiêu thụ và sản xuất nguyên liệu trong nước đều khó khăn. Cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.
Do đó, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay 1- 2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản – vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho “dễ thở” hơn.
Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.
Việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
“Điều quan trọng tiếp theo là chương trình phải được các ngân hàng triển khai nhanh chóng với các thủ tục đơn giản và tường minh nhất”, bà Hằng nói.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng chung tay có giải pháp hỗ trợ khơi thông thị trường đầu ra và các chính sách phải được áp dụng đồng bộ.
“Như vậy, doanh nghiệp thủy sản mới sớm tiếp cận được gói hỗ trợ để được tiếp thêm sức vượt qua thời điểm khó khăn này”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch VASEP cho biết: Năm 2023 là một nốt trầm của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức phía trước sẽ ngày càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn, mục tiêu mà ngành thủy sản Việt Nam vươn tới không phải là chinh phục được nhiều thị trường mà là sự tăng trưởng bền vững. “Để làm được điều này đòi hỏi một nền tảng vững mạnh cho cả chuỗi cung ứng, từ con giống, thức ăn, công nghệ nuôi, chế biến, tiêu thụ đến các vấn đề đảm bảo môi trường, trách nhiệm xã hội, phúc lợi người lao động…” – Chủ tịch VASEP nhấn mạnh. |