Sáng 23/1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) Lê Công Thành đã có buổi tiếp và làm việc với ông Windfried Wicklein, Tổng Vụ Trưởng Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các vấn đề tài chính khí hậu và sự hỗ trợ, giúp Việt Nam thực hiện các dự án chống biến đổi khí hậu.
Chào mừng ông Windfried Wicklein, Tổng Vụ Trưởng Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng phái đoàn đến làm việc tại Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Năm 2023 đánh dấu 30 năm ADB hợp tác với Việt Nam. Theo đó, ADB là đối tác truyền thống lâu năm và là một trong những đối tác phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường.
Đối với hoạt động cho vay của ADB tại Việt Nam và tài chính khí hậu, Chiến lược Đối tác quốc gia Việt Nam của ADB giai đoạn 2023 – 2026 tập trung vào hai trụ cột chính là chuyển đổi xanh và phát triển khu vực tư nhân. Thứ trưởng Lê Công Thành mong rằng ADB sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero). Đồng thời, xem xét hỗ trợ thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (RMP) đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu vào tháng 12/2023; cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường carbon và các cơ chế hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Tiếp lời Thứ trưởng Lê Công Thành, ông Windfried Wicklein đã gửi lời chúc mừng tới Việt Nam sau các hoạt động thành công tại COP28 vừa qua. Theo đó, ông Windfried Wicklein đã chia sẻ một số trọng tâm về khí hậu của ADB trong thời gian tới đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là Việt Nam. Ông lưu ý, thời gian qua, ADB đang tự định hình, trở thành một ngân hàng khí hậu, nhằm hỗ trợ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Windfried Wicklein, Tổng Vụ Trưởng Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Thứ trưởng Bộ TN & MT Lê Công Thành.
Theo đó, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm chia sẻ kiến thức về tài chính cho các cấp bộ, ngành, chính phủ hoặc khu vực tư nhân để chuẩn bị kế hoạch bổ sung, kế hoạch thực hiện và đầu tư, giúp đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra trong NDC.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng cường đầu tư vào chuyển đổi năng lượng trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
“Chúng tôi đã làm việc với các quốc gia trong khu vực. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã nhận được lời đề nghị từ các nước ASEAN quá trình chuyển đổi năng lượng để hỗ trợ theo nhóm và theo từng quốc gia”, Tổng Vụ Trưởng Vụ Đông Nam Á tại ADB chia sẻ.
Ông Windfried Wicklein cho biết ADB đang phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để thảo luận về dự án hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Trong đó, quá trình này đang tiến triển tốt đẹp và theo kỳ vọng, dự án sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới đến các khu vực tư nhân, cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư để thu hút sự chú ý và giúp Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ADB cũng đang hỗ trợ các nước tham gia thoả thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT), bao gồm Việt Nam và Indonesia. Trong đó, với Indonesia, ngân hàng đã hỗ trợ và làm việc chặt chẽ với Ban thư ký, Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và Môi trường Indonesia để hiện thực hoá các mục tiêu về năng lượng.
ADB đồng thời đưa ra một sáng kiến về cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM). Trong đó, ngân hàng đã thành lập một quỹ lớn chuyển đổi năng lượng lớn, và nhận được các khoản đóng góp từ Nhật Bản, Đức, New Zealand,… để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi năng lượng và giá cả phải chăng cho các quốc gia thành viên đang phát triển.
Các đại biểu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Bộ Tài nguyên và Môi trưởng.
Ghi nhận những chia sẻ từ phía ADB, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của ADB dành cho các cơ quan của Bộ TN&MT đặc biệt trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường, quản lý rác thải nhựa đại dương và kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị ADB tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác trong việc thực hiện dự án đang triển khai mang lại hiệu quả cao, bao gồm hỗ trợ xây dựng các Hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực chính sách quan trọng như biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên nước; kinh tế tuần hoàn; xem xét, tiếp tục hỗ trợ hợp phần Dự án do Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất (ADB-10) để dự án có thể thực hiện sau khi được phê duyệt.