Thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam làm việc tại một nhà máy dệt kim ở Mitsuke, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Nguồn: Reuters.com
Hơn 78 nghìn lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Số lao động Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài làm việc tính đến ngày 19/6 là 78.024 người. Trong đó có 23.725 lao động nữ. Dẫn đầu về thị trường tiếp nhận vẫn là Nhật Bản hơn 40,5 nghìn lao động. Tiếp đó là thị trường Đài Loan với hơn 27 nghìn lao động. Thứ ba là thị trường Hàn Quốc với hơn 5,5 nghìn lao động. Đây là các thị trường truyền thống lớn nhất và thu hút được số lượng lớn nhất lao động Việt Nam.
Đối với thị trường Hàn Quốc, bà Phạm Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, năm 2024, Hàn Quốc đã phân bổ hạn ngạch tuyển chọn khoảng gần 10.000 lao động sang làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (chưa tính các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng…). Tuy nhiên số lượng người lao động đăng ký thi tiếng Hàn tăng đột biến. Cụ thể, đến thời điểm này, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tiếp nhận số lượng hồ sơ nhiều nhất từ trước tới nay với 44.983 hồ sơ.
Về việc triển khai mở rộng thị trường từ đầu năm tới nay, nhiều chương trình xúc tiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đã được triển khai. Vào tháng 3/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia.
Theo đó, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM, dự kiến bắt đầu trong năm 2024.
Cũng trong tháng 6, tại Hà Nội, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) về việc cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.
Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka đài thọ các chi phí.
“Người lao động được thực tập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí với mức lương tháng khoảng 36 triệu đồng chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ và được hưởng phúc lợi xã hội, tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định của pháp luật Nhật Bản” – đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết.
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn phức tạp
Ông Phạm Việt Hương – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, 6 tháng đầu năm, tình hình đưa lao động ra nước ngoài làm việc có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn nạn lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi.
Các đối tượng sử dụng chiêu trò xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tiền của người dân, dù đây là chiêu trò không hề mới song, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của một số người dân để lừa đảo.
Gần đây nhất, hồi giữa tháng 5, Bộ LĐTBXH cũng cảnh báo tình trạng thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ và phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc tại Australia, để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.
Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương.
“Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên tục phải đưa ra những thông tin cảnh báo, ngăn chặn như lừa đảo lao động đi làm việc tại một số ngành nghề, thị trường như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)… Cùng với đó là cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người lao động chủ quan sập bẫy trước các chiêu trò của tội phạm” – ông Hương cho hay.
Theo ông Hương giải pháp hiệu quả nhất để tránh rơi vào cạm bẫy là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ để nắm bắt các thông tin liên quan một cách rõ ràng, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp. Đặc biệt chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).