Đã thành nét đẹp văn hóa được trao truyền từ ngàn đời, ngày 1/1 và 2/2 âm lịch hằng năm, các bản người dân tộc Dao đỏ ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát) tổ chức những nghi lễ thiêng liêng ở khu rừng cấm của thôn nhằm cầu Thần rừng ban may mắn và bình an. Ngoài lễ vật chính là lợn do gia đình chủ lễ dâng thì tùy điều kiện mà các hộ trong thôn tự nguyện mang lễ vật như gà, rượu, giấy tiền đến đóng góp. Theo lệ, luân phiên mỗi năm sẽ có 1 hộ đứng ra làm chủ lễ và hộ đó sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng Thần rừng.
Trong ngày diễn ra lễ cúng rừng, các gia đình trong thôn dậy từ sớm dọn nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên. Mỗi gia đình sẽ cử 1 đại diện là nam giới tới địa điểm cúng tế để dọn sạch sẽ khu vực quanh ban thờ Thần rừng. Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện để cảm ơn thần rừng và cầu năm mới phù hộ, che chở cho cả thôn bình an, mạnh khỏe, một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi lớn nhanh.
Ông Lý Vần Củi, Bí thư Chi bộ thôn Dền Sáng cho biết: Sau lễ cúng rừng sẽ diễn ra cuộc họp thôn nhằm thảo luận về những quy định liên quan đến việc bảo vệ, quản lý rừng, đồng thời bầu chọn lại các thành viên tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn. Trong buổi lễ, những người cao tuổi trong thôn sẽ truyền đạt cho thế hệ kế cận trách nhiệm gìn giữ, phát triển rừng. Nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, nguồn dược liệu quý, nhiều bài thuốc chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của chính người dân.
Là địa phương có rừng gỗ nghiến, gỗ trai cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, người dân thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) tin rằng, trong rừng có “Thần rừng” cai quản và che chở, phù hộ cho người dân sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, không lo mất mùa và đời sống ấm no. Theo quy ước từ xa xưa, ai vi phạm, vào rừng chặt cây sẽ bị “phạt vạ” và phải mua lợn, gạo, rượu rồi mời thầy cúng làm lễ tạ tội với thần linh vào ngày cúng rừng năm sau. Điều đặc biệt của lễ cúng rừng ở thôn Cốc Sâm là ngoài việc cúng Thần rừng, đây còn là dịp họp thôn và bàn, thống nhất quy ước bảo vệ rừng, gắn kết cộng đồng các dân tộc trong thôn và tuyên truyền người dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn…
Lễ cúng rừng của mỗi dân tộc, mỗi bản làng ở Lào Cai có quy ước về thời gian, lễ vật khác nhau. Người Mông ở huyện Si Ma Cai và người Mông ở huyện Bắc Hà thường cúng rừng vào tháng 2, tháng 6 âm lịch, còn người Dao đỏ và người Hà Nhì huyện Bát Xát, người Dao Tuyển huyện Bảo Thắng thường tổ chức cúng rừng vào tháng Giêng… Tuy nhiên, ý nghĩa xuyên suốt thì không nằm ngoài mục đích bảo vệ rừng, hạn chế sự xâm phạm của con người đối với thiên nhiên. Ngày nay, nghi lễ cúng thần rừng của các dân tộc không chỉ trong phạm vi sinh hoạt văn hóa thôn, mà còn được phát triển và mang tính cộng đồng cao, nâng tầm lên cấp xã, liên xã.
Tục lệ cúng rừng đầu năm của các dân tộc thiểu số Lào Cai đều thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng. Đây là nét đẹp trong bảo vệ rừng, được kết hợp giữa yếu tố tâm linh và chính sách, pháp luật của Nhà nước nên được người dân ủng hộ và đạt hiệu quả, đồng thời được ngành chức năng và chính quyền các địa phương khuyến khích nhân rộng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nhờ kết hợp tốt tục cúng rừng với Luật Lâm nghiệp mà số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, rừng được bảo vệ tốt, ý thức bảo vệ rừng và khai thác rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường sống, tỷ lệ che phủ rừng tăng theo từng năm.