Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cửa khẩu, nền tảng cửa khẩu số đã được xây dựng và đang từng bước được đưa vào vận hành.
Số điểm chạm phải thực hiện khi làm thủ tục thông quan hàng hóa từ 17 điểm chạm giảm xuống 4 điểm chạm cho 1 quy trình. Doanh nghiệp có thể có những đề xuất, kiến nghị và đánh giá trực tiếp trải nghiệm của mình khi sử dụng nền tảng cửa khẩu số, việc tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý được thông suốt, minh bạch.
Khi sử dụng nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp có thể giảm thiểu thời gian, công sức cho việc khai báo, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất – nhập khẩu. Cùng với đó, nhờ việc tiết kiệm thời gian luân chuyển giấy tờ, năng suất lao động cũng được cải thiện, góp phần nâng cao năng lực thông quan cửa khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp dễ dàng khởi tạo tờ khai điện tử, có thể khai báo thông tin mọi lúc, mọi nơi trên 1 hệ thống, đồng thời dễ dàng theo dõi, quản lý được trạng thái của các tờ khai, vị trí của phương tiện tham gia vào quá trình xuất – nhập khẩu tại cửa khẩu; nắm được các bước cần thực hiện để hoàn thành việc xuất – nhập khẩu cho chuyến hàng. Qua việc theo dõi hoạt động xuất – nhập khẩu, doanh nghiệp cũng có thể đưa ra quyết định chính xác về thời điểm xuất hàng hóa, giảm thiểu rủi ro nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản.
Từ ngày 21/8, các doanh nghiệp hoạt động xuất – nhập khẩu khai báo trên nền tảng cửa khẩu số khi giải quyết thủ tục xuất – nhập cảnh, xuất – nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Từ ngày 23/8, các đơn vị tiếp tục triển khai áp dụng đối với các thủ tục liên quan đến lực lượng Bộ đội biên phòng trong khai báo vào khu vực cửa khẩu; phân luồng, xếp vị trí đối với phương tiện chở hàng xuất khẩu; giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với người và phương tiện cho doanh nghiệp trên nền tảng cửa khẩu số.
Từ ngày 25/8, các đơn vị triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính của Chi cục Hải quan cửa khẩu, Trạm Kiểm dịch thực vật, Trạm Kiểm dịch động vật và các doanh nghiệp kho bãi trên nền tảng cửa khẩu số.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, kể từ ngày 28/8, 100% các phương tiện tham gia xuất – nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành đã mở tờ khai và hoàn thành quy trình xuất – nhập trên phần mềm của nền tảng cửa khẩu số.
Nền tảng cửa khẩu số của Lào Cai không phải nền tảng sẵn có mà là sản phẩm “may đo” theo yêu cầu nên chúng tôi đang từng bước hoàn thiện các tính năng, làm sao để đảm bảo tiện ích, dễ sử dụng nhất.
Anh Long cho biết thêm: Từ giai đoạn vận hành thử nghiệm đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận 70 yêu cầu, phản ánh của các cơ quan, đơn vị về sửa đổi hoặc bổ sung các tính năng, tiện ích. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã hoàn thành được 60/70 yêu cầu, còn 10 yêu cầu đang trong quá trình hoàn thiện. Với các doanh nghiệp, chúng tôi đã tiếp nhận 20 yêu cầu, từ đó trao đổi, thống nhất với các cơ quan chuyên ngành và hoàn thành các nội dung kiến nghị.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm Zalo “Cửa khẩu số Lào Cai” (trước là nhóm “Doanh nghiệp – Cửa khẩu số Lào Cai”) đã chuyển thành kênh hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xuất – nhập khẩu. Tại đây, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp/hộ kinh doanh lần đầu khai báo trên phần mềm cửa khẩu số sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh…
Có thể nói, các đơn vị thành viên cửa khẩu tham gia vận hành nền tảng cửa khẩu số đang thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, đồng hành để từng bước đưa nền tảng này vào hoạt động hiệu quả. Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số đã kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các ngành với nhau, điều chỉnh dữ liệu của doanh nghiệp ở 1 điểm và có thể sử dụng dữ liệu đó cho toàn quy trình mà không cần chỉnh sửa ở điểm khác; kiểm soát được 100% lượng phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành.
Về phía doanh nghiệp, việc sử dụng nền tảng cửa khẩu số đã giúp các doanh nghiệp có thể theo dõi được toàn bộ quy trình phương tiện đang tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dữ liệu trên nền tảng cửa khẩu số doanh nghiệp còn khai báo chưa chính xác, vẫn cần lực lượng chức năng xác minh hoặc yêu cầu điều chỉnh thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan. Dữ liệu của lĩnh vực hải quan hiện nay chưa kết nối liên thông để khai thác trên nền tảng cửa khẩu số nên các doanh nghiệp vẫn thực hiện khai báo truyền thống, song song với việc khai báo trực tuyến trên nền tảng. Việc chưa thể kết nối liên thông dữ liệu hải quan dẫn tới doanh nghiệp chưa thể hoàn thành toàn bộ quy trình trên nền tảng mới này.
Theo ông Vương Trinh Quốc, để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Hải quan về việc kiểm tra các điều kiện của nền tảng cửa khẩu số đảm bảo các yêu cầu về an toàn khi kết nối liên thông với phần mềm của cơ quan Hải quan.
Cũng theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thì việc xây dựng nền tảng cửa khẩu số là xu hướng tất yếu nhằm số hóa quy trình xuất – nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát, quản lý.
Việc đưa nền tảng cửa khẩu số vào vận hành là nhiệm vụ “bắt buộc phải làm”. Để thực hiện nền tảng cửa khẩu số đúng lộ trình rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu rõ, dễ tiếp cận hơn với nền tảng cửa khẩu số