Ngành du lịch đang xác định vị trí trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành năm 2024, có một số chỉ số du lịch Việt Nam bị xếp ở vị trí “đội sổ”.
Du khách quốc tế tới Việt Nam.
Những chỉ số đã thực sự khách quan?
Theo WEF, chỉ số có điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam là Hạ tầng dịch vụ du lịch (2,2 điểm, hạng 80/119). Chỉ số về Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành đạt 3,63 điểm, xếp hạng 98/119. Chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch, đạt 2,95 điểm, xếp gần cuối bảng ở vị trí 115/119.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng xếp hạng trên chưa thực sự đánh giá được chính xác về năng lực của ngành du lịch Việt Nam. Theo CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, các dữ liệu phần lớn đều dựa trên số liệu tổng kết cuối năm 2023. Trong khi đó, nhiều chính sách của Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng trong thời gian qua. Để có được thẩm thấu rõ ràng về lợi ích của chính sách mang lại, Việt Nam cần có thêm thời gian. Vì thế, nhiều chỉ số có thể chưa phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cũng cho rằng, kết quả xếp hạng này chưa phản ánh thật sự chính xác thực tế của du lịch Việt Nam và nguyên nhân có thể là do WEF chưa cập nhật đầy đủ những dữ liệu thống kê mới nhất. Đơn cử như chỉ số về mức độ mở cửa du lịch Việt Nam là xếp thứ 80/119, thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới. Chỉ số này gồm 4 chỉ số thành phần, trong đó yêu cầu về thị thực nhập cảnh được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới từ năm 2015. Như vậy là quá lạc hậu, khi Việt Nam đã có những cải thiện lớn về chính sách thị thực từ giữa tháng 8 năm 2023.
Hay như chỉ số tác động kinh tế xã hội xếp thứ 115/119, tức là gần như đội sổ, do WEF đã lấy số liệu từ các năm 2020, 2021, 2022, quãng thời gian mà Việt Nam gần như tập trung toàn lực để phòng chống dịch Covid-19, cho nên chưa thể đầu tư cũng như tập trung cho phát triển du lịch là điều tất yếu.
Dù vậy thì nhiều ý kiến lại cho rằng ngành Du lịch cần nhìn lại chính mình để khắc phục và có giải pháp “thoát đáy”, nhằm đến mục tiêu có được xếp hạng tích cực hơn.
Đường đua khắc nghiệt
Mặc dù có rất nhiều lý giải cho việc tụt hạng, thậm chí “đội sổ” về một số chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành nhưng cũng không thể phủ nhận du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, bắt đầu bộc lộ những điểm yếu. Trên đường đua với các quốc gia trong khu vực, du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu hụt hơi.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, ngay cả mùa du lịch cao điểm họ cũng rất “khát” khách. Trong đó, đa phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều đi theo kiểu tự túc, không mua các tour du lịch trọn gói. Họ chủ yếu hướng đến sản phẩm du lịch nhỏ lẻ như thuê xe, thuê khách sạn, nhà nghỉ, thuê hướng dẫn viên… không mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, những năm gần đây, xu thế du lịch có nhiều biến chuyển. Theo một số nghiên cứu, Việt Nam chưa phải điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Mỹ,… Phần lớn khách Nhật Bản đến Việt Nam đều là các doanh nhân đi làm ăn, công tác. Còn khách du lịch Trung Quốc dù có sự tăng trưởng lại sau thời gian “đóng băng” do đại dịch Covid-19, nhưng vẫn chưa thực sự đạt được con số như kỳ vọng.
Về nguyên nhân của sự “hụt hơi” này chúng ta đã nói đến khá nhiều. Trong đó, cơ sở hạ tầng dù đã được đầu tư đáng kể nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt… Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách. Rồi hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch đồng bộ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, chúng ta tự hào là du lịch có những bước tăng trưởng nhanh, nhưng chưa thể so sánh với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong khi đó, TS Phạm Trung Lương – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch quốc gia) cho rằng, thông qua các chỉ số cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Du lịch trong thời gian gần đây vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng và thế mạnh vốn có. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và chưa đạt được sự khác biệt trong việc phát triển thị trường.
Từ đó ông Lương đề xuất cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng. Đối với chỉ số thấp nhất liên quan đến hạ tầng du lịch, ngành du lịch cần phối hợp với các ngành liên quan để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và cơ sở vui chơi giải trí. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế tại các khu du lịch trọng điểm.
Còn theo CEO Lux Group Phạm Hà, có 4 tiêu chí chính để du lịch của một nước thu hút khách đến, đó là cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa và con người. Do đó, để ngành du lịch có thể tăng mức độ cạnh tranh cũng như thứ hạng trong bảng xếp hạng của WEF, Việt Nam cần định hình lại chiến lược quảng bá du lịch quốc gia. Một trong số đó là trở thành điểm đến cao cấp, với các dịch vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Giá cả cạnh tranh cũng là một điểm mạnh để thu hút du khách. Nhưng thay vì giảm giá, nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để khách cảm thấy đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng.
Như vậy, để du lịch Việt Nam thực sự nâng tầm rất cần một chiến lược bài bản để định vị thương hiệu du lịch Việt trên bản đồ thế giới.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về nâng hạng chỉ số phát triển du lịch. Theo báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhiều nước Đông Nam Á bị tụt hạng, trong đó Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2021. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá làm rõ nguyên nhân chỉ số phát triển du lịch Việt Nam bị tụt hạng, có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng hạng chỉ số phát triển du lịch cũng như thu hút khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.