Trong những năm qua, huyện Bát Xát luôn chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Năm 2021, anh Tẩn Sành Phẩu, dân tộc Dao giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Qua. Với hơn 1.100 hội viên nông dân, phần lớn là người dân tộc thiểu số, thời điểm đầu tham gia công tác hội, anh Phẩu không tránh khỏi bỡ ngỡ.
Anh Phẩu xác định để làm tốt nhiệm vụ được giao thì bản thân cần trang bị thêm nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức về lý luận chính trị. Cuối năm 2021, anh đăng ký học lớp trung cấp lý luận chính trị theo hình thức học tập trung do Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức.
Trong quá trình học lý luận chính trị, tôi được chia sẻ, trao đổi thêm nhiều thông tin để áp dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, trong đó có việc phát huy vai trò của hội viên nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Sau khi kết thúc chuyến thực tế của lớp trung cấp lý luận chính trị với điểm dừng tại nhiều “địa chỉ đỏ” ở Nghệ An, Hà Tĩnh, anh Vàng Láo Sì, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Phìn Ngan càng có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Hội Cựu chiến binh xã Phìn Ngan hiện có 65 hội viên, tất cả đều là người dân tộc Dao và dân tộc Phù Lá. Việc học lớp trung cấp lý luận chính trị đã giúp anh trau dồi kiến thức lý luận, làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới với phần lớn cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở là người dân tộc thiểu số. Từ thực tế này, trong những năm qua, huyện Bát Xát luôn chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Học viên là người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng thuộc các chương trình dành cho đảng viên mới, lớp nhận thức về Đảng; bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nghiệp vụ công tác đảng; các chương trình cập nhật kiến thức ở một số lĩnh vực; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước…
Trong đào tạo, bồi dưỡng, trung tâm Chính trị huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức 3 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 190 học viên, trong đó có 85 học viên là người dân tộc thiểu số.
Gần đây, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho 66 cán bộ, công chức xã, bí thư chi bộ, trưởng các thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện. Lớp học cung cấp cho các học viên những chuyên đề: Tổng quan về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; công tác quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức mới, phù hợp với học viên dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.