Hội nghị có sự tham gia của đại diện một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh, 200 đại biểu là cán bộ quản lý, thành viên các hợp tác xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Cả nước hiện có hơn 28.000 hợp tác xã, hơn 100 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 100.000 tổ hợp tác. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với hơn 1.700 thành viên; 100% tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào năm 2045.
Chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao. Đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã của tỉnh thực hiện chuyển đổi số; xây dựng tài liệu, công cụ, hệ thống đánh giá, quản lý chương trình các gói hỗ trợ chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ số để thúc đẩy chuyển đổi số trong hợp tác xã.
Lào Cai hiện có 505 hợp tác xã, trong đó 380 hợp tác xã đang hoạt động, với 7.678 thành viên. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã 9 tháng năm 2023 là 928 triệu đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 45 triệu đồng/năm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghiên cứu, trao đổi một số nội dung quan trọng như: Đánh giá thực trạng tình hình ứng dụng công nghệ số phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm tại địa phương và giải pháp thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số; kinh nghiệm của một số hợp tác xã trong việc tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các hợp tác xã để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh…
Hội nghị tập huấn là hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhằm bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp truyền thông, quảng bá hình ảnh và sản phẩm của hợp tác xã; công nghệ số trong phát triển sản phẩm chuỗi giá trị, qua đó nâng cao nhận thức của thành viên hợp tác xã về ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.