Truyền thuyết núi Hàm Rồng
Trong văn hóa phương Đông, vòng tuần hoàn của thời gian năm tháng tương ứng với 12 con giáp, bắt đầu từ năm Tý (con chuột) và khép lại một vòng vào năm Hợi (con lợn), con Rồng đứng ở vị trí thứ 5. Rồng cũng là linh vật đứng đầu trong bộ tứ linh “long, lân, quy, phượng” được thờ phụng trong tín ngưỡng văn hóa phương Đông.
Từ xưa, con rồng cũng là biểu tượng của vua chúa, tượng trưng cho sức mạnh của quyền uy, sự may mắn, thịnh vượng, cho khát vọng bay cao, vì thế đem đến nhiều cảm xúc hân hoan, phấn khởi, kỳ vọng.
Ở nước ta, trải qua các triều đại phong kiến, rồng luôn là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền. Hình tượng rồng được thêu trên long bào của vua chúa, được khắc tạc nơi lăng tẩm, cung vua, phủ chúa, đình, chùa…
Trước đây kinh thành Thăng Long gắn với những truyền thuyết nơi rồng bay lên. Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra vùng đất có địa thế “rồng cuộn, hổ ngồi” để xây dựng kinh đô mới, lấy tên là Thăng Long. Kinh thành Thăng Long trở thành kinh đô của các triều đại phong kiến nhà Lý, Trần, Lê của nước Đại Việt.
Miền đất Lào Cai nơi đầu nguồn biên giới, hình tượng con rồng cũng xuất hiện trong nhiều huyền thoại, truyền thuyết của các dân tộc thiểu số, gắn với những vùng đất mang tên rồng.
Ai đã từng đến thăm vùng đất Sa Pa nay đã trở thành Khu Du lịch quốc gia Sa Pa hẳn không thể quên được hình ảnh của một đô thị nhỏ xinh đẹp dưới dãy núi đá khổng lồ, trong đó đỉnh núi cao nhất của dãy núi giống hình đầu rồng vươn cao trong mây trắng bồng bềnh. Đỉnh núi đá đó là núi Hàm Rồng gắn với truyền thuyết về rồng ở nơi này.
Có lần trò chuyện với nhà văn Mã A Lềnh, người con ưu tú của đồng bào Mông vùng núi đá Sa Pa, tôi được nhà văn cho biết truyền thuyết các cụ xưa kể lại rằng thuở hồng hoang các vị thần tiên đi mở đất, đặt những bước chân đầu tiên trên mảnh đất này.
Ngày ấy, đất đai còn bùn nhão. Vị thần khổng lồ lùa chân trái thành ra đồng ruộng Nả Tà, nay là đất Tả Phìn; lùa chân phải, thành ra thung lũng Mường Hoa, nay là Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán; lùa chân lần nữa, thành ra cánh đồng Mường Sảng, nay là Thanh Phú (Mường Bo). Một bước trượt chân, thành ra rẻo sườn núi Tà Sang, nay là Tả Giàng Phình.
Thuở ấy, nơi đây cũng là nơi cư trú của loài rồng. Một con rồng hốt hoảng vì nước rút đi, đất nhô lên, đã bỏ chạy, bị người khổng lồ ném đuổi. Con rồng hóa thành dải núi Hoàng Liên, chiếc sừng của nó chính là đỉnh Phan Si Păng. Con rồng nhỏ, do ngủ dậy muộn, bị mắc cạn, hóa đá, thành núi Hàm Rồng ngày nay…
Sa Pa, nơi vùng đất mang tên rồng hôm nay đã trở khoác lên mình chiếc áo mới. Mỗi mùa xuân đến, du khách náo nức rủ nhau lên núi Hàm Rồng, đến Khu du lịch Sun World Fansipan Legend ngắm cảnh, săn mây, tham dự ngày hội văn hóa dân gian đậm bản sắc dân tộc. Khắp các bản làng người Mông, người Dao dưới chân núi Hàm Rồng, một nhịp sống mới sinh sôi, những vùng hoa đào, địa lan, những vùng rau xanh mướt trải dài trên ruộng bậc thang.
Chào đón mùa xuân mới Giáp Thìn năm nay, cây cầu Móng Sến như con rồng khổng lồ vươn qua thung lũng để ô tô, xe máy bon bon thẳng tiến lên thị xã Sa Pa, không phải vượt qua những khúc cua “tay áo” vòng vèo khó đi như trước. Hệ thống cáp treo lên đỉnh núi Phan Si Păng là điểm nhấn của du lịch Sa Pa, như con rồng xuyên qua mây trắng đưa du khách “cưỡi mây” lên “Nóc nhà Đông Dương” ngắm cảnh. Dịp tết nguyên đán năm nay, thị xã Sa Pa xây dựng tượng rồng vàng hoành tráng đặt ngay trung tâm “Không gian văn hóa Sa Pa tinh hoa hội tụ” để du khách chiêm ngưỡng.
Khát vọng nơi vùng đất rồng cha
Ngày đầu xuân mới, tôi ngược sông Hồng lên vùng đất A Mú Sung, đến với thôn Lũng Pô, cũng là điểm đầu tiên dòng sông Nguyên Giang chảy từ Trung Quốc chạm vào đất Việt mang tên sông Hồng.
Nơi đây, suối Lũng Pô với dòng nước xanh biếc hòa vào dòng sông Hồng cuồn cuộn đổ về xuôi. Theo tiếng địa phương, Lũng Pô nghĩa là rồng cha. Đây là dòng suối bắt nguồn từ những cánh rừng già trên dãy núi Nhìu Cồ San hùng vĩ.
Mảnh đất Lũng Pô trước đây vô vàn gian khó, nhưng chỉ vài năm trở lại đây đã “bứt phá” ngoạn mục, trở thành thôn biên giới tiêu biểu của tỉnh, với vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả trù phú, đem lại nguồn thu đáng kể cho Nhân dân. Bằng ý chí kiên cường và bàn tay lao động chăm chỉ, người Mông, người Dao nơi đây đã từng bước vượt qua đói nghèo, xây nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống nơi biên cương.
Đặc biệt, từ cuối năm 2017, công trình Cột cờ Lũng Pô được khánh thành “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Cột cờ Lũng Pô với lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi mảnh đất đầu nguồn biên giới trở thành cột mốc biên cương, biểu tượng thiêng liêng của tình yêu Tổ quốc, cũng là điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch Bát Xát.
Tự hào biên giới Rồng Hoa
Ngược dốc núi Mường Khương lên vùng cao xã Pha Long giữa mùa hoa đào khoe sắc thắm, chúng tôi cũng được nghe truyền thuyết hấp dẫn về rồng thiêng.
Truyền thuyết kể rằng thời xa xưa vùng đất này rất trù phú, cây cối tốt tươi, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao, Pa Dí…
Mùa xuân đến, dân làng mở hội tưng bừng. Các chàng trai trổ tài thi đánh quay, múa khèn, đẩy gậy, cưỡi ngựa, bắn nỏ. Những cô gái khoe váy áo thổ cẩm rực rỡ xòe hoa, hát đối đáp giao duyên.
Hội vui lay động đến tận nhà Trời. Đêm trăng sáng, Rồng Hoa từ trên trời vén mây nhìn xuống, không kìm nén được lòng mình nên đã bay xuống vui chơi. Cuộc vui đang say sưa thì trời sáng, Rồng Hoa không thể bay về trời, hóa thành khối đá lớn hình con rồng. Từ đó, vùng đất này mang tên Hóa Lồng, sau ghi văn tự quốc ngữ thành Pha Long.
Pha Long, vùng đất rồng thiêng trải qua những thăng trầm của lịch sử vẫn vững vàng phên dậu nơi biên cương của Tổ quốc, gắn với sự hi sinh kiên cường, anh dũng của bao chiến sĩ bảo vệ biên thùy.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới vào mùa xuân tháng 2 năm 1979, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để bảo vệ mảnh đất này. Cũng chính trên vùng đất Tả Ngài Chồ, Pha Long này, ngày 17/2/1979, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết đã hi sinh khi cầm súng bảo vệ biên cương. Đến nay, bút ký “Mùa xuân trên vòm nhô sông Chảy” của nhà báo, liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết viết về vùng đất nơi thượng nguồn sông Chảy vẫn còn nguyên giá trị với những thông tin, tư liệu quý về nơi đây.
Trên mảnh đất Pha Long hôm nay, tiếp nối khúc tráng ca của lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ trước, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Pha Long luôn nỗ lực, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Mỗi mùa xuân đến, hoa đào bừng lên sắc thắm, đồng bào các dân tộc nơi đây lại tưng bừng mở hội Gầu Tào.
Năm nay, Hội Gầu Tào trên xứ sở Rồng Hoa vui hơn hẳn mọi năm vì đời sống Nhân dân thêm ấm no, lễ hội tổ chức đúng năm rồng, với những khát vọng đổi thay và bao kỳ vọng vào sự thăng hoa trong mùa xuân mới. Ở khắp rẻo cao biên giới Lào Cai, đồng bào một số dân tộc cũng chọn ngày con rồng (ngày Thìn) đầu tiên của tháng Giêng là ngày đẹp để khai hội vui xuân, cầu mong sự bình an, ấm no, may mắn.