Từ khi tuyến đường Tằng Loỏng – Khe Lếch thông xe, người dân Nậm Mả có điều kiện đi lại, giao thương thuận lợi hơn, nhưng để rút ngắn khoảng cách phát triển với mặt bằng chung của huyện Văn Bàn thì vẫn còn xa.
Tuyến đường như một ranh giới vô hình ngăn cách giữa một bên là thị tứ Võ Lao sầm uất, một bên là Nậm Dạng, Nậm Mả còn nhiều khó khăn. Đón chúng tôi ở đường bê tông đầu thôn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nậm Mả Giàng A Khảo nói vui: Từ Võ Lao vào đây như một thế giới khác, ngoài kia phố xá nhộn nhịp bao nhiêu thì vào đây tĩnh lặng bấy nhiêu.
Nậm Mả ở cái khoảng cách không xa mà cũng chẳng gần trong những chuyến công tác của chúng tôi, bởi vậy mà ít khi chúng tôi nán lại mảnh đất này. Cũng phải mấy năm trời, nay tôi mới trở lại đây, khu vực trung tâm đã có nhiều đổi thay, trụ sở xã nay được xây kiên cố bề thế với khoảng sân rộng nhìn ra con suối và cánh đồng, bên cạnh là trụ sở công an xã đang xây dựng.
Nậm Mả trước đây có 4 thôn, gồm Nậm Trang, Nậm Hu, Nậm Mả và Tà Chủ. Trải qua nhiều lần sáp nhập rồi chia tách các thôn, đến nay xã còn lại 2 thôn là Nậm Trang và Nậm Mả đặt theo tên của 2 dòng suối. Trung tâm xã là thôn Nậm Mả, còn đi theo tuyến đường bê tông hướng về phía xã Nậm Dạng là thôn Nậm Trang.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã – Giàng A Khảo ngỏ ý đưa tôi đi một vòng quanh xã để hình dung rõ hơn về mảnh đất và cuộc sống người dân nơi đây. Tuyến đường bê tông ngược theo dòng Nậm Trang đưa chúng tôi từ trung tâm xã đến các khu dân cư xa xôi nằm rải rác từ ven suối kéo đến lưng chừng núi.
Nậm Mả giáp ranh với Nậm Chày, Liên Minh, Nậm Dạng, Võ Lao, Phú Nhuận, tiếng là xã nhỏ có 2 thôn nhưng xã có diện tích tự nhiên rộng tương đương với Võ Lao, chỉ có điều dân thưa nên theo quy định phải sáp nhập các thôn. Theo đường bê tông qua các khu dân cư người Mông ở Nậm Mả vẫn phảng phất đâu đó pha trộn không gian sinh sống của người Tày, ấy là nhà sàn, đồi cọ.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mả – Vù A Trùng cho biết: Nậm Mả có 256 hộ, 1.367 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%. Trước đây, Nậm Mả cũng có nhiều người Tày sinh sống, sau khi người Mông nơi đây di cư từ nhiều địa phương trong tỉnh như Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa đến thì người Tày chuyển dần ra khu vực Võ Lao, Văn Sơn ở vùng đất thấp hơn, nhiều cánh đồng màu mỡ. Tên đất, tên suối đã được đặt theo tiếng Tày vẫn được giữ nguyên.
Hôm chúng tôi đến Nậm Mả đúng đợt cơn lũ quét lịch sử vừa tràn qua. Những người sống lâu năm ở đây cũng không thể tưởng tượng được cơn lũ lại xảy ra trên dòng suối quanh năm hiền hòa, lại càng khó giải thích hơn nữa khi thời điểm diễn ra lại không phải vào mùa mưa như quy luật. Dẫu sao điều may mắn nhất là không có thương vong xảy ra.
Một tuần sau khi cơn lũ đi qua nhưng sức tàn phá ghê gớm của nó vẫn hiện rõ trên những cánh đồng phủ đầy cát sỏi, trên những ngấn nước lưng nhà. Mảnh đất vốn đã nghèo khó nay lại phải gánh chịu thiên tai, dường như trời đất cũng muốn thử thách thêm ý chí, nghị lực của những người dân nơi đây. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mả – Vù A Trùng tâm sự: Hậu quả cơn lũ có thể nặng nề hơn nếu những năm qua người dân nơi đây không bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng trên địa bàn.
Trước đây, người Mông di cư về Nậm Mả thường sống ở trên cao, tập quán canh tác chủ yếu là phát rừng, trồng ngô, lúa nương, diện tích rừng ngày càng thu hẹp kéo theo đó là nguồn nước ngày càng khan hiếm.
Những năm tháng quẩn quanh trong nghèo khó đã thôi thúc người dân nơi đây phải chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp bền vững hơn đó là cấy lúa nước và trồng rừng. Nhờ thế, đã hình thành những khu dân cư ở vùng thấp hơn, những khu vực trước đây bỏ hoang khi đất canh tác bạc màu đã được bà con phủ xanh bằng những đồi quế, màu xanh đang dần trở lại.
Bà Giàng Thị Phi, Trưởng thôn Nậm Trang cho biết: Thôn có 138 hộ, những năm gần đây cây quế được bà con phát triển mạnh, nhiều hộ nhờ thu hoạch quế mà xây được nhà mới, có điều kiện cho con cái đi học các trường chuyên nghiệp.
Một mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa mới cũng được thai nghén là mô hình trồng khoai sọ địa phương. Những hiệu quả kinh tế bước đầu đã tạo niềm tin để bà con nhân rộng. Xã đã thành lập được hợp tác xã để liên kết sản xuất và làm đầu mối cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Bà Giàng Thị Hà, thành viên hợp tác xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Mả cho biết: Sản phẩm khoai sọ Nậm Mả đã được đánh giá đạt OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, những năm qua, người dân Nậm Mả tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận trong Nhân dân. Sự đồng thuận ấy biểu hiện rõ nhất trên những tuyến đường giao thông nông thôn được hình thành từ tinh thần tự nguyện hiến đất của bà con.
Ông Giàng A Tra, thôn Nậm Trang là một điển hình như thế. Vừa qua, Nhà nước có chủ trương mở mới tuyến đường Nậm Trang 1 dài 800 m kêu gọi bà con hiến đất, gia đình ông đã hiến gần 80 m đất dọc theo tuyến đường và chặt bỏ hàng chục cây quế 4 năm tuổi.
Ông Giàng A Tra tâm sự: Làm đường này xong, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, mình là người được hưởng lợi nhiều nhất nên hiến đất là chuyện bình thường, trong thôn cũng có nhiều người hiến lắm, đâu phải riêng tôi. Để làm tuyến đường này, đã có 11 hộ hiến 5.087 m2 đất lâm nghiệp và 8.920 cây quế, mỡ, xoan từ 2 – 5 năm tuổi, tham gia 170 ngày công đắp lề đường.
Xã chỉ có 2 thôn nhưng công việc của cán bộ, công chức xã chẳng vì thế mà nhàn hơn so với các xã khác.
Những tuyến đường liên thôn, nội đồng đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, đường kết nối từ xã Nậm Mả ra xã Võ Lao cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, mở thêm những cánh cửa mới để người dân Nậm Mả rộng đường kết nối, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã – Vù A Trùng chia sẻ: Xã chỉ có 2 thôn nhưng công việc của cán bộ, công chức xã chẳng vì thế mà nhàn hơn so với các xã khác. Riêng việc làm sao để đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã là một thử thách, đến nay xã đạt 9 tiêu chí, nếu năm nay đạt thêm 6 tiêu chí như đăng ký thì vẫn còn 4 tiêu chí phải phấn đấu, trong đó có những tiêu chí rất khó như thu nhập, hộ nghèo… Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng tôi đã tìm thấy những dư địa tạo nên sự đổi thay cho quê hương, đó là những mô hình sản xuất hàng hóa đang hình thành hoặc những tuyến đường thênh thang đang dần hoàn thiện…