Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị, thành phố.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, đến hết năm 2023, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành 40/65 nhiệm vụ và tiếp tục thực hiện 25/65 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn (thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng cao…) nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nông dân toàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 3,23%, giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt 95 triệu đồng.
Việc phát triển các ngành hàng chủ lực tiếp tục được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 4.105 ha cây dược liệu (890 ha cây dược liệu hằng năm; 3.215 ha cây dược liệu lâu năm), sản lượng đạt 19.000 tấn, giá trị ước đạt trên 400 tỷ đồng; 8.295 ha chè (5.082 ha chè kinh doanh), sản lượng ước đạt 44.540 tấn, giá trị đạt hơn 350 tỷ đồng; 2.355 ha chuối, sản lượng thu hoạch hơn 60.000 tấn, giá trị đạt 350 tỷ đồng; 2.200 ha dứa, sản lượng đạt 41.900 tấn, giá trị đạt trên 180 tỷ đồng; 59.197 ha quế, trong năm khai thác 116.646 tấn cành lá, 9.051 tấn vỏ quế khô, chiết xuất được 359 tấn tinh dầu, giá trị ước đạt 850 tỷ đồng; tổng đàn lợn đạt 443.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 47.570 tấn, giá trị đạt 1.309 tỷ đồng… Tổng giá trị sản xuất hàng hóa năm 2023 đạt khoảng 4.600 tỷ đồng.
Các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững, thông qua phát triển cây có giá kinh tế cao (quế, trẩu, bồ đề…); cây cho lâm sản phụ như (măng các loại, dược liệu dưới tán rừng…). Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến lâm sản đạt 91.150 ha, khai thác gỗ đạt 97.715 m3, khai thác lâm sản ngoài gỗ 45.596 tấn, giá trị đạt 1.120 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm phát triển các ngành hàng tiềm năng (rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, quýt, chăn nuôi gia cầm…), các loại cây đặc hữu (cây hồng không hạt; hoàng sin cô; măng các loại…) và tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với các sản phẩm bản địa để thu hút khách du lịch, nâng cao giá trị nông sản…
Phấn đấu năm 2024, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực ước đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 1,16 lần (740 tỷ đồng) so với năm 2023, chiếm khoảng 53% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, trồng mới 300 ha chè; 1.010 ha cây dược liệu hằng năm; 700 ha chuối; 60 ha dứa; duy trì diện tích 59.880 ha quế; phát triển tăng 100 nghìn con lợn; phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung đạt 92.800 ha… Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học – kỹ thuật; quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: Tình hình thiên tai, dịch bệnh; một số cây trồng chủ lực (chuối, chè) còn gặp khó khăn trong duy trì và trồng mới theo kế hoạch; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, ít sản phẩm chế biến sâu nên giá trị nông sản thấp… Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Năm 2024, Ban Chỉ đạo cần quan tâm xây dựng thương hiệu và có giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực; khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thí điểm xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Đối với nông nghiệp hữu cơ, cần tập trung nâng cao chất lượng gắn với giá trị, không chạy theo số lượng; tiếp tục phát triển các sản phẩm mới thuộc nhóm các ngành hàng chủ lực; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, quảng bá, truyền thông, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, ngành hàng chủ lực tỉnh theo từng giai đoạn…
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh nhấn mạnh: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực nhưng chưa thực sự nổi bật. Năm 2024, Ban Chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo trong việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đưa ra kế hoạch, lộ trình, mục tiêu đối với từng loại sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền; đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thực chất vào lĩnh vực nông nghiệp; đề xuất chiến lược về xây dựng thương hiệu đối với từng ngành hàng; tiếp tục ứng dụng khoa học – kỹ thuật gắn với nghiên cứu sản xuất các giống chất lượng cao; rà soát quy hoạch, đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa…
Đặc biệt, cần đặt ra mục tiêu đối với từng nhóm, ngành hàng chủ lực để tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, các thành viên cần quan tâm nghiên cứu, để xuất phương án thí điểm khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao để tập trung nguồn lực đầu tư… đưa nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai phát triển nổi bật, mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho Nhân dân.