4 ha chè Shan 6 năm tuổi của gia đình anh Lùng Văn Thưởng ở thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương cho lứa thu hoạch cuối vào tháng 12. Năm 2024, thời tiết thuận lợi, đồi chè được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sai búp, giá thu mua bình quân 7.000 đồng/kg nên dù mới bước vào giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng năm 2024, đồi chè đã cho gia đình anh Thưởng nguồn thu lên tới 250 triệu đồng.
“Trồng chè thu được gấp 5 – 10 lần trồng ngô, trồng sắn. Về tiêu thụ, giá cũng ổn định. Bây giờ có Hợp tác xã Mường Khương đặt điểm thu mua ở ngay trung tâm xã, tất cả bà con chở đến đấy để bán”, anh Thưởng cho biết.
Cây chè mang lại thu nhập tốt cho gia đình anh Thưởng (áo đen).
Ở xã vùng cao Lùng Khấu Nhin, anh Giàng Áng Dũng có nương chè Shan tuyết rộng 2 ha. Năm 2024, mới có 1 ha được thu hái, nhưng anh Dũng rất phấn khởi bởi cả vụ đã thu hoạch được hơn 10 tấn chè búp tươi.
Anh Giàng Áng Dũng cho biết: “Từ khi trồng chè, mỗi tháng tôi thu khoảng 6 – 7 triệu đồng, còn trồng ngô thì một năm chỉ được 40 – 50 triệu đồng. Ngô bán một lần là hết, còn chè thì được thu quanh năm, làm chè cũng đỡ vất vả hơn”.
Mường Khương được coi là “thủ phủ” chè hàng hóa của tỉnh Lào Cai với diện tích 6.840 ha chè.
Là “thủ phủ” chè hàng hóa của tỉnh, huyện Mường Khương có 6.840 ha chè, trong đó, có hơn 3.000 ha là diện tích chè kinh doanh. Kết thúc niên vụ sản xuất 2024, tổng sản lượng chè búp tươi thu hái của huyện đạt gần 36.500 tấn, giá trị thu nhập đạt hơn 261 tỷ đồng. Vùng chè được mùa, được giá đã khẳng định hướng đi đúng của huyện khi chọn cây chè là một trong những cây trồng thế mạnh, tiềm năng để mở rộng diện tích, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: “Chúng tôi lấy doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm làm vai trò đầu tàu. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt cho người dân; các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa người dân sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, được giá, đảm bảo hiệu quả kinh tế thì người dân sẽ làm theo. Mường Khương đã thu hút 3 nhà máy chế biến chè, mỗi nhà máy công suất khoảng 40 đến 50 tấn/ngày”.
Mường Khương thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến chè, tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Hiện nay, cùng với việc chỉ đạo người dân tập trung đốn tỉa, tạo tán cho cây chè, huyện Mường Khương khuyến cáo bà con chăm sóc các đồi chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, chế biến… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè hàng hóa của địa phương.
An Hồng – Trần Tuấn