Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã gửi kết quả kiểm nghiệm mẫu nấm phục vụ công tác điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy tại xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn ngày 23/5, phát hiện mẫu nấm dương tính với độc tố Psilocin.
Trước đó, ngày 24/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã gửi công văn đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về việc hỗ trợ kiểm nghiệm mẫu phục vụ công tác điều tra ngộ độc thực phẩm, kèm mẫu nấm khiến 3 người ở thôn Sung 2, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn ngộ độc vào ngày 23/5 phải điều trị tại bệnh viện.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tiến hành nghiên cứu, xem xét chỉ định chỉ tiêu, thực hiện phân tích và có kết quả kiểm nghiệm ban đầu, phát hiện mẫu nấm dương tính với độc tố Psilocin.
Psilocin là loại độc tố có trong nấm gây rối loại tâm thần. Nấm thức thần chứa chất Psilocine (hay Psilotsin) và Psilocybine, là những chất gây ảo giác có trong Danh mục chất ma túy bị cấm tại hầu hết quốc gia. Tại Việt Nam, nấm thức thần bị cấm sử dụng theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định về Danh mục chất ma túy và tiền chất.
Triệu chứng rối loạn thần kinh tâm thần xuất hiện trong vòng 20 đến 60 phút sau ăn nấm, gồm: ảo giác, rối loạn thính giác, thị giác và đôi khi xúc giác, dị cảm trên da, rối loạn cảm xúc… Tình trạng này rất nguy hiểm bởi người sử dụng nấm có hành vi tấn công người khác do nghĩ mình bị hại. Một số triệu chứng khác như giãn đồng tử, mạch nhanh, tăng huyết áp, nôn mửa, đỏ mặt, yếu cơ, co giật, hôn mê (nếu trường hợp rất nặng).
Hiện nay, 3 bệnh nhân ngộ độc nấm sau quá trình điều trị tại Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được xuất viện.
Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn đã ban hành văn bản tăng cường công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trên địa bàn, đồng thời, đôn đốc các trạm y tế xã trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc nấm.